Thứ 7, 11/01/2025, 12:56[GMT+7]

Nhật Bản lo ngại đợt bùng dịch thứ 8, hàng loạt quốc gia tăng tốc tiêm liều vaccine tăng cường

Thứ 2, 10/10/2022 | 08:00:46
4,129 lượt xem
Đến sáng 10/10, thế giới có trên 626,61 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,56 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 626,61 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,54 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,087 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Nhà Trắng mong muốn tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong chiến dịch tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường mùa thu năm nay sẽ tăng tốc trong vài tuần tới sau khi được triển khai vào tháng 9. Loại vaccine mà Mỹ đang triển khai tiêm chủng được Pfizer-BioNTech đặc chế chống lại các biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron cũng như virus gốc. Mỹ đã cấp phép sử dụng loại vaccine này với liều lượng 30 mg cho người từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, CDC Mỹ cũng cấp phép lưu hành vaccine COVID-19 cải tiến của Moderna liều 50 microgram cho người 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong 5 tuần triển khai tiêm mũi tăng cường, khoảng 11,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, trong đó riêng tuần vừa qua là 3,9 triệu người.

Các triệu chứng tái nhiễm COVID-19 ở một số bệnh nhân sau khi dùng thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer có thể liên quan đến phản ứng miễn dịch mạnh, hơn là phản ứng yếu. Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ kết luận rằng việc sử dụng thuốc Paxlovid dài hơn (ngoài 5 ngày được khuyến nghị) là không cần thiết để giảm nguy cơ tái nhiễm các triệu chứng COVID-19 như một số người đã đề xuất, dựa trên một cuộc điều tra chuyên sâu về COVID-19 phục hồi ở 8 bệnh nhân tại Trung tâm lâm sàng, Viện Y tế Quốc gia Mỹ.

Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu đã phát triển các phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy mức độ kháng thể cao hơn ở những bệnh nhân trải qua tái nhiễm COVID-19.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 9/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,61 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 528.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 155.400 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 35,86 triệu người nhiễm bệnh. Ngày 9/10, Pháp ghi nhận 42.626 ca mắc COVID-19 mới.

Brazil có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với trên 34,76 người và số bệnh nhân vì căn bệnh này cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ với gần 686.900 trường hợp.

Nhật Bản lo ngại đợt bùng dịch thứ 8, hàng loạt quốc gia tăng tốc tiêm liều vaccine tăng cường - Ảnh 1.

Mỹ mong muốn tăng tốc chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường.

Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer-BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.

Vaccine tăng cường của Pfizer-BioNTech, hiện được cấp phép sử dụng cho người trên 12 tuổi, là loại vaccine tăng cường thứ 2 được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Tháng 9, Bộ Y tế Canada đã "bật đèn xanh" cho vaccine được điều chỉnh của hãng Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Cả hai vaccine này đều có hiệu quả chống lại biến thể Omicron và các dòng phụ của biến thể này gồm BA.4 và BA.5.

Trước đó, vào tháng 8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech và Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng đã phê duyệt vaccine cập nhật của Pfizer-BioNTech.

BioNTech, một trong hai công ty dược phẩm sở hữu công nghệ mRNA hàng đầu thế giới, và chính quyền bang Victoria (Australia) vào ngày 7/10 thông báo hoàn tất ký kết thỏa thuận hợp tác về nguyên tắc cho việc thành lập một cơ sở sản xuất vaccine mRNA quy mô phòng khám (clinic) tại thành phố Melbourne (bang Victoria) của Australia.

Cơ sở này có diện tích bằng một container vận chuyển, được sử dụng để nghiên cứu về phân tử axit ribonucleic, hay còn gọi là mRNA, từ đó tạo ra các loại vaccine sử dụng công nghệ liệu pháp mRNA dùng cho mục đích thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, thỏa thuận cũng bao gồm cả việc thiết lập các cơ sở sản xuất mRNA ở thành phố Melbourne, dựa trên thiết kế mô đun của BioNTech.

Trong thông báo về thỏa thuận nói trên, chính quyền bang Victoria cho biết cùng với cơ sở sản xuất vaccine đã ký kết với hãng dược phẩm Moderna, việc thúc đẩy hợp tác với BioNTech sẽ mang lại cho bang Victoria các cơ sở sản xuất vaccine công nghệ mRNA đầu cuối, cho phép các nhà khoa học phát triển, thử nghiệm và sau đó tạo ra các liệu pháp sử dụng công nghệ mRNA trên quy mô lớn.

Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Panama mới đây thông báo sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 tuổi vào ngày 10/10. Trong thông cáo chính thức, Bộ Y tế Panama cho biết đã nhận được 150.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hôm 5/10.

Kể từ tháng 1/2022, Panama đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 5 tới 11 tuổi. Tính đến ngày 1/10, Panama đã triển khai tiêm tổng cộng 8,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 471.073 liều cho trẻ em.

Ngày 9/10, một quan chức bệnh viện tiết lộ, Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây bệnh COVID-19 khi đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Kathmandu.

Bác sĩ Dinesh Kafle, Giám đốc điều hành Bệnh viện đại học Tribhuvan, cho biết, Tổng thống Bhandari đã nhập viện vào ngày 8/10 sau khi sốt cao, ho, đau đầu và đau nhức cơ thể. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, bà đã mắc COVID-19. Đến chiều 9/10, tình trạng sức khỏe của Tổng thống Bhandari đã tiến triển tốt, bà không còn bị sốt mà chỉ bị ho khan. Theo bác sĩ Kafle, Tổng thống có thể chỉ cần chăm sóc sức khỏe vài ngày nữa tại bệnh viện vì bà đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Quan chức phụ trách truyền thông của Văn phòng tổng thống Nepa, Tika Dhakal cho biết, Tổng thống Bhandari cũng đã trải qua các cuộc kiểm tra bệnh sốt xuất huyết và cúm mùa nhưng các kết quả đều âm tính.

Nhật Bản lo ngại đợt bùng dịch thứ 8, hàng loạt quốc gia tăng tốc tiêm liều vaccine tăng cường - Ảnh 2.

Nhật Bản lo ngại làn sóng dịch lần thứ 8 ở nước này có thể xảy ra trong tương lai.  

Chính phủ Indonesia đã thúc giục người dân tham gia chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường, nhằm kết thúc đại dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine liều nhắc lại là một trong những yếu tố chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kết thúc đại dịch COVID-19. Theo cơ quan chức năng Indonesia, bên cạnh việc tiêm vaccine, người dân cũng cần tiếp tục tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì khoảng cách.

Việc tiêm vaccine liều tăng cường có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với nhóm người cao tuổi, làm giảm tỷ lệ nhập viện và ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng.

Vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi và loại đặc hiệu đối với biến chủng BA.5 đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Trong bối cảnh làn sóng dịch lần thứ 8 tại Nhật Bản có thể xảy ra trong tương lai, các chuyên gia cho rằng tiêm vaccine là biện pháp phòng ngừa vô cùng quan trọng.

Theo Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, năm 2022 đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do COVID-19 là trẻ em khỏe mạnh dưới 4 tuổi. Mặc dù nhiều trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ không có bệnh nền nhưng vẫn bị biến chứng nặng sau khi mắc COVID-19 và những trường hợp này thường tập trung nhiều ở trẻ nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng quan ngại về trường hợp xuất hiện các bệnh về não cấp tính sau khi mắc COVID-19 và tình trạng này có thể tăng lên cùng với số trẻ mắc COVID-19 gia tăng. Bệnh về não cấp tính có thể là nguyên nhân gây ra tử vong hoặc di chứng sau này cho trẻ.

Trên cơ sở dữ liệu về số ca tử vong ở độ tuổi nhỏ, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và dữ liệu sau khi tiêm chủng tại Mỹ, Giáo sư nhi khoa tại Đại học Nagasaki, Hiroyuki Moriuchi cho rằng lợi ích từ việc tiêm chủng loại vaccine này là lớn. Ông cũng cho rằng cần chú ý đến phản ứng phụ sau tiêm chủng đối với những trẻ có bệnh nền so với các trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, ông cảnh báo nguy cơ biến chứng nặng sau khi mắc COVID-19 là cao và việc thảo luận với bác sĩ về sự cần thiết khi tiến hành tiêm chủng vaccine cho trẻ là rất quan trọng.

Hiện Nhật Bản đang lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm mùa vào mùa đông, đồng thời với dịch COVID-19. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản đã cho phép tiêm chủng đồng thời hai loại vaccine là cúm mùa và COVID-19.

Theo vtv.vn


  • Từ khóa