Thứ 7, 11/01/2025, 10:44[GMT+7]

Đức vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc cao thứ tư thế giới, Ấn Độ ghi nhận nhiều biến thể mới của Omicron

Thứ 6, 21/10/2022 | 07:55:26
2,571 lượt xem
Đến sáng 21/10, thế giới có trên 631,78 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,577 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 631,78 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 98,98 triệu ca mắc, trong đó có khoảng hơn 1,092 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Novavax làm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi. Mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của Novavax được sử dụng cho những người không đủ điều kiện tiêm các mũi tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron, hoặc những người không muốn tiêm vaccine mũi tăng cường của các hãng khác. Sau quyết định của FDA , Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về loại vaccine này trước khi triển khai tiêm chủng. Trước đó, vaccine của Novavax đã được cấp phép sử dụng làm liều cơ bản cho người trên 12 tuổi.

Tuần trước, Novavax cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc tiêm một mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng này sau 8 đến 11 tháng kể từ khi hoàn thành liều cơ bản sẽ giúp tăng kháng thể chống lại các dòng phụ BA.1, BA.2 và BA.5 của biến thể Omicron.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 20/10, nước này ghi nhận tổng cộng trên 44,63 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 528.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận hàng ngày tại Ấn Độ tiếp tục giảm nhưng cơ quan y tế nước này đã phát hiện 2 biến thể phụ mới của Omicron là BF.7 và BQ.1. Theo đó, bang Maharashtra đã phát hiện nhiều trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.2.3.20 và BQ.1, biến thể vừa được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ hôm 17/10 từ mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân ở Pune. BQ.1 là "hậu duệ" của BA.5. Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat đã phát hiện sự tồn tại của BF.7 hôm 14/10.

Ở phía Tây Nam bang Maharashtra, giới chức y tế Ấn Độ của đã phát hiện XBB, một biến thể phụ khác của Omicron. Biến thể phụ này trước đó đã được phát hiện ở miền Nam Kerala. XBB là một dòng tái tổ hợp giữa hai dòng phụ của Omicron là BJ.1 và BA.2.75. Đây được xác định là một biến thể có khả năng lây lan nhanh.

Các chuyên gia y tế dự báo, số ca mắc mới gia tăng trong mùa đông sắp tới ở khắp bang Maharashtra bởi đây là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội và tiếp xúc giữa người với người đặc biệt cao.

Trong khi đó, chính quyền bang Kerala ngày 17/10 đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan do sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19 là XBB và XBB1 được báo cáo từ các nơi khác trên thế giới.

Đức vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc cao thứ tư thế giới, Ấn Độ ghi nhận nhiều biến thể mới của Omicron - Ảnh 1.

Đức hiện ghi nhận trên 35 triệu trường hợp mắc COVID-19, cao thứ tư toàn cầu. 

Pháp hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 156.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 36,41 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 20/10, Pháp ghi nhận 56.793 ca mắc COVID-19 mới.

Đức đã vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ tư thế giới với tổng cộng trên 35 triệu trường hợp. Tuy nhiên, Brazil vẫn là nước có số người tử vong vì COVID-19 cao thứ hai toàn cầu, chỉ sau Mỹ, với trên 687.400 người trong tổng số 34,81 triệu bệnh nhân.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi người dân nước này sớm tiêm vaccine phòng cúm mùa và vaccine phòng COVID-19 để tránh phải áp dụng các biện pháp y tế công cộng bổ sung trong mùa đông này.

Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh: "Nếu chúng ta có thể đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, chúng ta sẽ giảm nguy cơ phải thực hiện các biện pháp y tế khác để đảm bảo rằng tất cả đều an toàn và không gây quá tải cho các bệnh viện". Ông đưa ra khuyến nghị trên khi các quan chức y tế bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng gần đây của các ca nhiễm COVID-19 và các trường hợp phải nhập viện điều trị.

Tuần trước, Giám đốc Y tế của tỉnh Ontario, Tiến sĩ Kieran Moore cho biết, ông sẽ đề nghị áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang nếu hệ thống chăm sóc y tế của tỉnh trở nên quá căng thẳng. Ở phần lớn các khu vực trên khắp Canada, các phòng cấp cứu đang quá tải.

Theo các chuyên gia, chiến dịch tiêm phòng COVID-19 đang bị đình trệ. Tỷ lệ dân số đã tiêm các mũi vaccine cơ bản ngừa COVID-19 đang chững lại ở mức khoảng 80% kể từ tháng 2/2022. Khoảng 49% người dân đã tiêm một mũi tăng cường.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tăng cường ngăn chặn COVID-19, đẩy mạnh kiểm tra và phong tỏa một số khu dân cư khi số ca mắc mới tăng gấp 4 lần trong những tuần gần đây. Thành phố Bắc Kinh với 21 triệu dân hôm 19/10 đã báo cáo 18 trường hợp mắc COVID-19 mới lây truyền tại địa phương, nâng tổng số ca nhiễm trong 10 ngày qua lên 197. Con số này cao gấp 4 lần so với 49 trường hợp nhiễm được phát hiện trong 10 ngày trước đó.

Cơ quan y tế Bắc Kinh kêu gọi kiểm tra mạnh mẽ hơn những người trong nhóm nguy cơ cao, kiểm tra kỹ lưỡng những người đi vào những khu vực công cộng đông đúc, bao gồm siêu thị và phòng tập thể dục. Một số khu dân cư có các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đã bị phong tỏa trong ba ngày và có thể kéo dài thời gian đóng cửa nếu phát hiện người nhiễm mới được xác nhận.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) quyết định sẽ tiếp tục nới lỏng một số biện pháp giãn cách nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội từ ngày 20/10. Cụ thể, số người có thể tập trung thành nhóm ở nơi công cộng tăng từ 4 lên 12 người. Nhà chức trách Hong Kong cho phép nối lại các buổi biểu diễn tại những địa điểm như trung tâm tổ chức hội nghị, nhà hàng, quán bar, cũng như ngoài trời. Người tham gia biểu diễn cứ 7 ngày phải xét nghiệm axit nucleic 2 lần, xét nghiệm nhanh trước khi vào cơ sở liên quan và đeo khẩu trang. Ngoài ra, cũng từ ngày 20/10, người dân được phép ăn uống ngoài trời hoặc trong các công viên giải trí.

Chính quyền Hong Kong đưa ra quyết định trên sau khi phân tích các dữ liệu liên quan trên cơ sở khoa học, đánh giá khả năng kiểm soát rủi ro và tạo thuận tiện cho người dân. Theo Cục Y tế Hong Kong, dịch bệnh COVID-19 đã ổn định sau giai đoạn đỉnh điểm vào đầu tháng 9, mặc dù số ca mắc mới không giảm, dao động ở mức hơn 5.000 ca/ngày trong những ngày qua, nhưng số ca nhập viện, bệnh nặng và tử vong ở mức tương đối ổn định.

Đức vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc cao thứ tư thế giới, Ấn Độ ghi nhận nhiều biến thể mới của Omicron - Ảnh 2.

Hong Kong (Trung Quốc) quyết định sẽ tiếp tục nới lỏng một số biện pháp giãn cách. 

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định hạ cảnh báo đi lại tới 76 quốc gia, vùng lãnh thổ từ cấp độ 2 trên thang cảnh báo 4 cấp xuống cấp độ 1, tức là chỉ khuyên công dân Nhật Bản tới các quốc gia, vùng lãnh thổ này phải đề cao cảnh giác trước dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu "nói chung đang cải thiện" và các nước thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã dỡ bỏ các cảnh báo đi lại. Với quyết định này, Nhật Bản đã dỡ bỏ cảnh báo công dân hạn chế đi tới bất cứ quốc gia, vùng lãnh thổ nào nếu không có việc cần thiết. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vẫn khuyến cáo, những người có kế hoạch đi ra nước ngoài cần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ.

Trong danh sách 76 quốc gia, vùng lãnh thổ được hạ cấp cảnh báo lần này có 6 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 11 thuộc khu vực Mỹ Latin, 20 ở châu Âu và 39 ở Trung Đông và châu Phi.

Ở chiều ngược lại, trong những ngày gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại ở Nhật Bản. Ngày 18/10, nước này ghi nhận thêm 43.272 ca nhiễm mới, tăng 28.384 người so với một ngày trước đó, và 72 trường hợp tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 5 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 40.000 ca/ngày. Con số này trong ngày 20/10 là 36.110 ca và 71 trường hợp.

Trong bối cảnh đó, giới chức y tế Nhật Bản lo ngại, nước này có thể sẽ phải đối mặt với hai đại dịch xảy ra cùng một lúc vào mùa đông tới gồm dịch COVID-19 và dịch cúm mùa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, dịch COVID-19 vẫn gây tình trạng khẩn cấp toàn cầu sau gần 3 năm. Ủy ban Khẩn cấp của WHO lần đầu công bố đợt bùng phát dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1/2020. Sau tuyên bố này, công tác nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng trên thế giới được tăng cường để kiềm chế dịch bệnh.

Cho đến những tháng gần đây, dù số ca mắc mới tiếp tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới, WHO vẫn cho rằng nhiều quốc gia cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy tiêm phòng đầy đủ cho những nhóm dân số nguy cơ cao nhất.

Trong thông báo mới, Ủy ban khẩn cấp của WHO cho rằng dù hiện nay, người dân tại nhiều khu vực dường như tin rằng dịch COVID-19 đã chấm dứt nhưng đây vẫn là một sự cố y tế cộng đồng có thể tiếp tục gây tác động bất lợi và mạnh mẽ tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới. Kể cả khi số ca tử vong hàng tuần vì COVID-19 đã xuống mức thấp nhất tính từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều hơn so với những bệnh khác do virus gây ra. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý, đại dịch COVID-19 từng khiến cả thế giới bị động và đến nay nguy cơ này vẫn tồn tại.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa