Thứ 3, 26/11/2024, 13:49[GMT+7]

Hội nghị thượng đỉnh G20: Sức mạnh của tinh thần hợp tác

Thứ 6, 18/11/2022 | 15:30:52
4,324 lượt xem
Việc các nhà lãnh đạo G20 cùng nỗ lực gạt bỏ bất đồng, nhất trí đưa ra một Tuyên bố chung, xoay quanh 3 chương trình nghị sự chính, được coi là kết quả bất ngờ và quan trọng nhất của hội nghị.

Các lãnh đạo tại lễ trồng cây lưu niệm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia.

Sau năm tiếng búa đánh dấu Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 tại Bali chính thức khép lại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này đã hoàn thành cương vị Chủ tịch G20 năm 2022.

Trong bối cảnh nội bộ chia rẽ sâu sắc và bị phủ bóng bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ xung đột Nga-Ukraine đến tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, khủng hoảng lương thực và năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cùng lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu, không chỉ trước mà ngay cả khi hội nghị đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng hội nghị thượng đỉnh G20 khó có thể đạt được đồng thuận rộng rãi.

Thậm chí kịch bản hội nghị có thể sẽ kết thúc bằng một bản tóm tắt của chủ tọa, trong đó ghi nhận và liệt kê các nội dung đã được thảo luận, thay vì một thông cáo chung hoặc một tuyên bố chung như thường lệ, cũng được tính đến.

Do đó, việc các nhà lãnh đạo G20 cùng nỗ lực gạt bỏ bất đồng, nhất trí đưa ra một Tuyên bố chung, xoay quanh 3 chương trình nghị sự chính gồm tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng bền vững, được coi là kết quả bất ngờ và quan trọng nhất của hội nghị.

Nói như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì “Việc G20 đạt được nhất trí về tuyên bố của các quan chức cấp cao là một thành tựu.”

Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20 Indonesia năm 2022, các nhà lãnh đạo G20 đã phối hợp để cụ thể hóa những vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự bằng hành động và kế hoạch hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững.

Hoi nghi thuong dinh G20: Suc manh cua tinh than hop tac hinh anh 2Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, hàng trước) trao búa chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, hàng trước) tại lễ bế mạc Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia). 

Trước nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái, với lạm phát gia tăng, cùng các mối đe dọa từ cú sốc giá dầu và khủng hoảng tài chính, các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh những nỗ lực chung và biện pháp phục hồi hậu đại dịch COVID-19.

G20 sẽ tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.

Bên cạnh đó, G20 đề nghị các ngân hàng trung ương điều chỉnh một cách thích hợp tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định cam kết tránh biến động tỷ giá quá mức.

G20 cũng nhất trí duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.

Những nỗ lực và biện pháp cụ thể mà G20 đưa ra cho thấy đây vẫn là diễn đàn hàng đầu để bàn thảo và quyết định các vấn đề kinh tế lớn của thế giới.

G20 cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm đối phó các thách thức lớn toàn cầu. Trong lĩnh vực kinh tế-tài chính, G20 quyết tâm mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển, lưu ý vấn đề nhiều quốc gia có thu nhập trung bình rơi vào tình trạng "nợ xấu."

Với thách thức an ninh lương thực toàn cầu, G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó.

Nhân dịp này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thành lập Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững (RST), với tổng trị giá 81,6 tỷ USD để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương trước khủng hoảng.

Về chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, hối thúc các nước phát triển nỗ lực huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý là việc công bố thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mới do Indonesia đề xuất, qua đó cho phép quốc gia Đông Nam Á này có thể thu hút hàng tỷ USD tài trợ quốc tế nhằm giảm phụ thuộc vào điện than, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và công bằng.

Thỏa thuận này được coi là “hình mẫu” cho các nhà sản xuất than đá khác đang có kế hoạch chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Về nghị sự y tế, G20 đã công bố thành lập Quỹ phòng chống đại dịch với tổng số tiền đóng góp tới nay lên tới gần 1,5 tỷ USD nhằm tài trợ cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Đây cũng được đánh giá là một trong những bước đột phá lịch sử của G20 không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn đối với các vấn đề đòi hỏi hợp tác toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nêu rõ Quỹ phòng chống đại dịch G20 là một ví dụ về những gì G20 có thể làm để giải quyết các vấn đề toàn cầu, là một công cụ quan trọng hỗ trợ các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Nói cách khác, Quỹ phòng chống đại dịch G20 có thể giúp thế giới an toàn hơn.

G20 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời khẳng định công nghệ kỹ thuật số là chìa khóa cho phục hồi và trao quyền trong nhiều lĩnh vực, mở ra tiềm năng của nền kinh tế tương lai.

Liên quan tới các cuộc xung đột, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.

Với vai trò chủ nhà G20, Indonesia được đánh giá là đã phát huy vai trò cầu nối, giúp các nước xích lại gần nhau hơn, qua một loạt cuộc gặp thượng đỉnh bên lề hội nghị.

Đơn cử như cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hoi nghi thuong dinh G20: Suc manh cua tinh than hop tac hinh anh 3Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) có cuộc gặp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20.  

Việc hai nhà lãnh đạo nhất trí nối lại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, cam kết duy trì liên lạc và tăng cường các nỗ lực mang tính xây dựng về an ninh chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cùng trao đổi về tình hình địa chính trị thế giới phức tạp hiện nay như vấn đề Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), quan điểm về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, thể hiện nỗ lực tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ song phương và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu.

Có thể thấy các cam kết được G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm hợp tác của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung, cũng như sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, gắn với đoàn kết, minh bạch và sự phối hợp toàn cầu, như khẳng định của Tổng thống Widodo: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, hợp tác là cần thiết để cứu thế giới. G20 không chỉ có trách nhiệm đối với người dân của chúng ta mà còn với người dân thế giới.”

Thành công của hội nghị trong việc thu hẹp bất đồng, hướng tới đồng thuận, đề xuất cách thức giải quyết một loạt vấn đề nan giải toàn cầu một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của G20 trong việc dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng, hướng tới phục hồi bền vững./.

Theo vietnamplus.vn

  • Từ khóa