Thứ 3, 26/11/2024, 03:50[GMT+7]

Cộng đồng châu Á chung tay giảm phát thải ròng

Thứ 4, 08/03/2023 | 08:49:35
2,249 lượt xem
Hưởng ứng sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ki-si-đa Phư-mi-ô) đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1/2022, các quốc gia thành viên ASEAN cùng Australia và Nhật Bản mới đây đã tổ chức Hội nghị “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC).

Hội nghị Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á lần thứ nhất.

Hội nghị bộ trưởng AZEC đầu tiên được tổ chức tại Tokyo, hướng đến giảm phát thải ròng, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở châu Á.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nổi lên là một thách thức chung và cấp bách trên toàn cầu, 11 quốc gia tham dự Hội nghị Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á lần thứ nhất đặt mục tiêu tìm được tiếng nói chung để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong duy trì an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Nhấn mạnh những thách thức và biến động phức tạp của thị trường năng lượng toàn cầu, thông điệp được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi tới hội nghị đề cao vai trò của hợp tác đa phương trong tiến trình giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng của khu vực.

Hội nghị AZEC là diễn đàn để các nước thành viên thảo luận về những thách thức mà các quốc gia châu Á phải đối mặt nhằm đạt được mức trung hòa các-bon, cũng như những nỗ lực cụ thể đang được thực hiện ở mỗi nước. Tuy còn có nhiều khác biệt trong cách các quốc gia theo đuổi mục tiêu trung hòa các-bon, song trong tuyên bố chung, các quốc gia thành viên nhất trí quá trình chuyển đổi năng lượng có thể được thực hiện với nhiều lộ trình khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

Cùng với đó, châu Á với nhu cầu năng lượng tăng nhanh do đà tăng trưởng kinh tế đóng vai trò trọng tâm trong tiến trình hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng nhất trí thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng khử các-bon, cùng lưới điện cho năng lượng sạch và tăng cường năng lực nguồn nhân lực trong khu vực.

Các chuyên gia khí hậu và năng lượng chỉ ra, Đông Nam Á cùng lúc là một trung tâm tăng trưởng kinh tế và phát thải, do đó những nỗ lực khử các-bon của khu vực sẽ có tác động rất lớn đến tiến trình hành động vì khí hậu toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chiếm tới một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và khoảng 60% lượng than tiêu thụ của thế giới, đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mục tiêu chính của Hội nghị bộ trưởng AZEC là để các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác và cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0, song vẫn bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp đà tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước. Tại các cuộc thảo luận, các thành viên cùng đặt mục tiêu, lộ trình đẩy nhanh công tác xây dựng các dự án năng lượng sạch, thu hút sự quan tâm đến “tài chính xanh”, giảm chi phí triển khai các công nghệ mới thông qua hỗ trợ và điều phối chính sách, đồng thời thúc đẩy các công nghệ khử các-bon ưu việt hơn.

Thông qua diễn đàn AZEC, các nước thành viên sẽ triển khai các chiến lược và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, hydro, amoniac…, thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon. Nhật Bản cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư vào kết cấu hạ tầng năng lượng như lưới điện, trong đó khu vực công và tư nhân của Nhật Bản sẽ phối hợp để hỗ trợ châu Á chuyển hướng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Theo Chính phủ Nhật Bản, hydro và amoniac có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải từ sản xuất nhiệt điện, lĩnh vực giao thông vận tải và các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Với cơ cấu công nghiệp, điều kiện địa lý và mức độ phát triển khác nhau của các thành viên, tuyên bố chung từ Hội nghị Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á lần thứ nhất nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, các nguồn năng lượng sạch và công nghệ đa dạng. Các bộ trưởng thành viên AZEC đồng thời nhất trí sẽ tiến tới tổ chức họp hằng năm, vì tương lai khí hậu toàn cầu.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa