Thứ 4, 24/07/2024, 07:21[GMT+7]

Nhật Bản tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu

Thứ 5, 13/04/2023 | 08:06:15
4,755 lượt xem
Xu hướng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản sang ASEAN sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế Nhật Bản - ASEAN lên tầm cao mới.

Video: Nhật_Bản_tăng_cường_hợp_tác_với_các_quốc_gia_Nam_bán_cầu_-_VTV.VN.mp4

Nhật Bản hôm qua đã công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2023. Đây không chỉ là bản báo cáo cho thấy đánh giá của Tokyo với môi trường an ninh trong năm 2022 vừa qua, mà còn là những định hướng trong chính sách ngoại giao chiến lược trong thời gian tới. Có nhiều điểm đáng chú ý lần đầu tiên được đề cập trong Sách Xanh ngoại giao của Nhật Bản năm nay, lần đầu tiên đề cập đến khái niệm Nam bán cầu.

Tuy không có định nghĩa chính thức, nhưng thuật ngữ "Nam bán cầu" thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung - Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á. Sách Xanh ngoại giao 2023 nêu rõ, điều vô cùng quan trọng là phải hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương.

Nhật Bản cũng đã có những nỗ lực cụ thể để thúc đẩy sự hợp tác với các nước Nam bán cầu, đặc biệt là với ASEAN. Nhật Bản đánh giá ASEAN có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, Nhật Bản ủng hộ các Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) vốn có nhiều điểm tương đồng với Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Nhật Bản đang thúc đẩy.

Nhật Bản tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu - Ảnh 1.

Chủ trương chung của Nhật Bản là thúc đẩy hợp tác dựa trên sự nỗ lực tự thân của các nước ASEAN, tập trung 4 lĩnh vực hợp tác gồm hợp tác hàng hải, kinh tế, mục tiêu phát triển bền vững và các lĩnh vực hợp tác khả thi khác.

Hợp tác kinh tế chặt chẽ ASEAN - Nhật Bản

Dấu mốc năm 2023 đánh dấu mối quan hệ ASEAN - Nhật Bản bước sang năm thứ 50 - giai đoạn hai bên cùng nhau phát triển và cùng trải qua những thách thức chung. Nhật Bản và ASEAN cũng đang thảo luận về một kế hoạch chi tiết, định hướng tương lai cho quan hệ đối tác song phương trong những thập kỷ tới, đặc biệt là hợp tác phát triển kinh tế.

Các quốc gia Đông Nam Á nằm trên tuyến đường biển trọng yếu của Nhật Bản đi ra thế giới. Hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN. Trao đổi thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, đạt hơn 240 tỷ USD vào năm 2021 (đạt 240,2 tỷ USD), tăng 17,2% so với năm trước đó và vượt mức trước đại dịch. Kết quả này cũng đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN.

Nhật Bản tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu - Ảnh 2.

Nhật Bản đã hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của ASEAN trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Nhật Bản ngày nay đang phải đối mặt với tình trạng dân số già, làm trì trệ tiến trình phát triển kinh tế. Mặt khác, ASEAN đang phát triển trở thành một trung tâm tăng trưởng kinh tế với các khoản đầu tư lớn từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Với sức mạnh của một trong những quốc gia hàng đầu về kinh tế, công nghệ, cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư của Nhật Bản sang ASEAN... sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế Nhật Bản - ASEAN lên tầm cao mới. Đồng thời, những lợi thế và tiềm lực mới của ASEAN sẽ tạo thuận lợi để hai bên sớm trở thành những đối tác kinh tế toàn diện và tin cậy của nhau.

Gia tăng ảnh hưởng tại các nước đang phát triển

Sắng Trắng ODA của Nhật Bản cũng đã đề cập vai trò vô cùng quan trọng của ASEAN đối với Nhật Bản không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị. Các nhà quan sát cho rằng, trong thời gian qua, các cuộc xung đột đã làm lung lay trật tự quốc tế và có nguy cơ lan rộng, sẽ tác động đến an ninh kinh tế của các nước phát triển. Do đó, việc Nhật Bản xem việc hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu đóng vai trò quan trọng và chính thức đưa thuật ngữ Nam bán cầu vào Sách Xanh ngoại giao năm 2023 là nhằm gia tăng ảnh hưởng tại các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi, tìm kiếm các đối tác phù hợp cho nhu cầu hợp tác, phát triển, đảm bảo an ninh kinh tế của Nhật Bản.

Nhật Bản tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu - Ảnh 3.

Theo báo Nikkei, trong quy mô toàn cầu, tỷ trọng của G7 hiện đã giảm từ 66% vào những năm 1990 xuống còn khoảng 45%, đây là kết quả khi Ấn Ðộ và nhiều quốc gia Nam bán cầu khác đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng kể, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Chính sách hợp tác với các nước Nam bán cầu vào thời điểm này có thể xem là cách thức mới của Nhật Bản nhằm thể hiện vai trò nước lớn trong các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi giữa tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng đề cập vấn đề này. Ông nói rằng, Nam bán cầu đang nắm giữ những vị trí không thể thiếu trên trường quốc tế. Chính phủ Nhật Bản cũng đã mời nhiều lãnh đạo của các nước Nam bán cầu, như Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Việt Nam tham dự tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5 này tại Hiroshima để thảo luận hợp tác về vấn đề lương thực và năng lượng.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa