Thứ 6, 19/04/2024, 19:08[GMT+7]

Nỗ lực chuyển đổi năng lượng

Thứ 3, 18/04/2023 | 08:10:27
5,031 lượt xem
Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Sapporo (Nhật Bản) nhất trí đẩy nhanh tiến trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự. Kết quả đạt được tại Hội nghị G7 lần này cho thấy nỗ lực của các cường quốc nhằm đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.

Các đại biểu dự phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng G7 về khí hậu, năng lượng và môi trường tại Sapporo (Nhật Bản), ngày 15/4 chụp ảnh lưu niệm.

Trọng tâm chú ý của dư luận đối với Hội nghị năm nay xoay quanh việc liệu cuộc họp G7 về các vấn đề khí hậu, năng lượng và môi trường có thể đạt được sự thống nhất về các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm lượng khí thải CO2, bao gồm cả trong lĩnh vực sản xuất điện và ô-tô, hay không.

Một trọng tâm khác là cam kết của các bộ trưởng G7 về việc thúc đẩy các phương tiện không phát thải, bao gồm cả việc liệu họ có đặt mục tiêu thị phần cho các phương tiện đó, hay thậm chí là đặt ra khung thời gian để loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch hay không.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 năm ngoái, các đại biểu cam kết chấm dứt gần như hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện vào năm 2035. Các quốc gia thành viên đã nhất trí trung hòa các-bon hoàn toàn hoặc phần lớn trong ngành điện vào năm 2035, song không thống nhất được mốc thời gian cụ thể về mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than do sự phản đối của các nước nghèo tài nguyên.

Tại hội nghị năm nay, Anh và Canada tiếp tục thúc đẩy quá trình khử các-bon hoàn toàn trong ngành điện vào năm 2035, trong khi Đức là một trong những quốc gia kêu gọi loại bỏ dần điện than mà không hạn chế các công nghệ giảm lượng khí thải. Sau hai ngày họp, các Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường của G7 đã nhất trí những giải pháp để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C.

Theo đó, các Bộ trưởng G7 cam kết sẽ đẩy nhanh việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo để đưa mức phát thải ròng về bằng 0 muộn nhất vào năm 2050. Tuy nhiên, các bộ trưởng vẫn không đề ra thời hạn mới để loại bỏ các nguồn năng lượng gây ô nhiễm như than đá.

Cuộc họp của các bộ trưởng G7 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhu cầu cấp bách về các nỗ lực hạn chế sự ấm lên toàn cầu. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc khẳng định: "Những lựa chọn và hành động được thực hiện trong thập kỷ này sẽ có tác động ngay bây giờ và cho tới 1.000 năm sau".

IPCC nêu rõ, để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,50C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp theo mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong năm 2023, thế giới cần cắt giảm lượng khí thải tương đương 50% lượng khí thải CO2 ghi nhận vào năm 2019, đồng thời nâng tỷ lệ này lên mức 65% trong năm 2035.

Để đạt được các mục tiêu trung hòa các-bon, các nước G7 ráo riết xúc tiến các kế hoạch chuyển đổi năng lượng. Trong nỗ lực đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2045, Chính phủ Đức lên kế hoạch phải tiết kiệm khoảng 45 terawatt giờ (TWh) mỗi năm trong khi các bang phải cùng nhau cắt giảm 5 TWh hằng năm.

Liên minh cầm quyền ở Đức dự kiến yêu cầu các khu vực công và tư nhân cắt giảm 26,5% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2030 so với mức của năm 2008. Quy định về mức tiết kiệm bắt buộc sẽ lớn hơn nhiều giai đoạn trước khủng hoảng năng lượng đối với khu vực công và tư nhân. Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó coi hydro là động lực chính trong kế hoạch Chuyển đổi xanh (GX).

Đất nước Mặt trời mọc có kế hoạch từ nay đến năm 2040 tăng nguồn cung cấp hydro xanh lên khoảng 12 triệu tấn, gấp sáu lần mức hiện tại, nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nước G7 đang thể hiện quyết tâm chuyển đổi năng lượng, nhưng để đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, thế giới cần nỗ lực hơn rất nhiều.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), đầu tư vào công nghệ chuyển đổi năng lượng cần tăng gấp bốn lần mỗi năm để thế giới có thể đạt được các cam kết đưa ra trong Thỏa thuận Paris. Tổng vốn đầu tư cho công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo đã đạt mức kỷ lục 1.300 tỷ USD vào năm 2022, song con số này cần được nâng lên mức 5.000 tỷ USD mỗi năm.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa