Thứ 2, 25/11/2024, 21:31[GMT+7]

Liên Hợp Quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo ở Sudan

Thứ 3, 02/05/2023 | 00:06:48
3,277 lượt xem
Quan chức hàng đầu Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình nhân đạo của Sudan đã đến "điểm giới hạn" khi hàng triệu người không thể tiếp cận nhu yếu phẩm.

Lực lượng cứu hộ Arab Saudi đưa những người sơ tán lên một con tàu trong chiến dịch giải cứu từ thành phố Port Sudan đến Jeddah hôm 30/4. Ảnh: AFP

Giao tranh lại nổ ra hôm nay giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) của Sudan bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được gia hạn. Hơn 500 người đã thiệt mạng sau khi xung đột bùng phát hôm 15/4. Từ đó đến nay, hàng triệu người dân Sudan xung quanh thủ đô Khartoum phải ẩn náu trong nhà với lương thực, nước và điện dần cạn kiệt.

Quan chức nhân đạo hàng đầu Liên Hợp Quốc Martin Griffiths ngày 30/4 cho biết ông sẽ tới Sudan để giúp "cung cấp cứu trợ ngay lập tức tới hàng triệu người có cuộc sống bị đảo lộn chỉ sau một đêm".

"Tình hình nhân đạo tại Sudan đang chạm tới điểm giới hạn", ông nói. "Hàng hóa cần thiết cho cuộc sống của người dân trở nên khan hiếm ở các trung tâm đô thị bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là Khartoum".

"Chi phí để di chuyển ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đã tăng theo cấp số nhân, khiến những người dễ bị tổn thương nhất không thể tới các khu vực an toàn hơn", Griffiths cho hay.

Khoảng 50.000 người đã di tản khỏi Sudan vì chiến sự. Họ tìm nơi nương náu tại một số nước láng giềng như Chad, Ai Cập và Cộng hòa Trung Phi, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc. Cuộc chiến cũng khiến hàng nghìn người nước ngoài và nhân viên quốc tế phải gấp rút sơ tán.

Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế. Giao tranh nổ ra sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy.

Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.

Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.

Theo vnexpress.net

  • Từ khóa