Thứ 2, 25/11/2024, 19:21[GMT+7]

Thế giới tuần qua: Nỗ lực giải quyết thách thức chung toàn cầu

Chủ nhật, 21/05/2023 | 10:08:06
5,109 lượt xem
Quy tụ các nhà lãnh đạo của 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu và các quốc gia, tổ chức quốc tế có uy tín, Hội nghị thượng đỉnh G7 tập trung thảo luận để xử lý các thách thức chung toàn cầu. Bên cạnh đó, Liên đoàn Arab tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu, Ukraine đạt thỏa thuận viện trợ quân sự mới với 4 nước phương Tây, Liên hợp quốc kêu gọi gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Tổng tuyển cử ở Thái Lan,… là một số sự kiện tiêu biểu của thế giới tuần qua (15-21/5).

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo G7, Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)

Sáng 19/5 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.

Hội nghị diễn ra từ ngày 19 - 21/5, quy tụ nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia phát triển nhất thế giới gồm: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có lãnh đạo của các tổ chức lớn, gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Năm nay, Nhật Bản cũng đã mời các nhà lãnh đạo của 8 quốc gia khác ngoài khuôn khổ G7 tham dự sự kiện, gồm: Australia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam. Sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong 3 ngày với tổng cộng 10 phiên họp sẽ được tổ chức, trong đó các nhà lãnh đạo cùng thảo luận về một loạt vấn đề khác, gồm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, xung đột Nga - Ukraine, an ninh kinh tế, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới và số hóa.

Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.

Trong khuôn khổ sự kiện, Hội nghị đã ra tuyên bố về Ukraine. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G7 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao theo đề nghị của Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuyên bố cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Hội nghị cũng đã ra tuyên bố khẳng định sẽ tăng cường hỗ trợ năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển vốn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư và nợ nước ngoài. Lãnh đạo các nước G7 hối thúc tất cả các nước trên thế giới không "vũ khí hóa" kinh tế để thực hiện các mục đích chính trị.

Liên đoàn Arab tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu

Ngày 19/5, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 của Liên đoàn Arab (AL) đã khai mạc tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề khu vực và toàn cầu có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định của các quốc gia Arab.

Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 của Liên đoàn Arab chụp ảnh chung tại Jeddah (Saudi Arabia) ngày 19/5/2023 (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Algeria Ayman Benabderrahmane đã có bài phát biểu khai mạc hội nghị trước khi trao lại chức vụ chủ tịch luân phiên của AL cho Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud. Trong bài phát biểu, ông Benabderrahmane đề cập đến tình hình ở Sudan, kêu gọi tất cả các bên liên quan ở nước này đối thoại để chấm dứt cuộc khủng hoảng và tránh leo thang xung đột. Về căng thẳng Israel - Palestine, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hối thúc Israel chấm dứt việc mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây.

Tại hội nghị, Thái tử Saudi Arabia hoan nghênh thỏa thuận đạt được tuần trước giữa các bên tham chiến ở Sudan, đồng thời nhắc lại sự cần thiết phải đối thoại để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Liên quan Israel-Palestine, ông khẳng định Saudi Arabia sẽ nỗ lực ngăn chặn xung đột trong khu vực. Ông cũng hoan nghênh việc Syria quay lại AL sau hơn một thập niên bị đình chỉ tư cách thành viên, nhấn mạnh quyết định này sẽ mở đường cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trước đó, ngày 18/5, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã tới Saudi Arabia để tham dự Hội nghị thượng đỉnh AL, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo này tới vương quốc giàu dầu mỏ kể từ khi nổ ra cuộc xung đột trong nước hồi năm 2011. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Al-Assad bày tỏ kỳ vọng về một kỷ nguyên hợp tác mới trong thế giới Arab. Theo ông, hội nghị này là "cơ hội lịch sử" để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Ukraine đạt thỏa thuận viện trợ quân sự mới với 4 nước phương Tây

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đạt được thỏa thuận với lãnh đạo các nước Italy, Đức, Pháp và Anh về việc các nước này cung cấp gói viện trợ quốc phòng mới cho Kiev. Đây là thông tin được Văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine xác nhận ngày 15/5.
 

Binh sỹ Ukraine nạp đạn cho siêu lựu pháo M777. (Ảnh: AFP/GETTY)

Tổng thống Ukraine lưu ý rằng các cuộc đàm phán giữa ông với lãnh đạo của các nước châu Âu cũng liên quan đến việc thành lập một "liên minh máy bay chiến đấu" cho Ukraine và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến diễn ra trong các ngày 11-12/7 tại Vilnius, Litva.

Trong các ngày từ 13-15/5, nhà lãnh đạo Ukraine đã đến thăm bốn quốc gia châu Âu nói trên như một phần của quá trình chuẩn bị cho điều mà Kiev gọi là "các hành động tích cực" của quân đội Ukraine ở tiền tuyến.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Với việc Ukraine lên kế hoạch giành lại lãnh thổ do Nga kiểm soát, viện trợ quân sự là một nội dung trong chương trình nghị sự của chuyến thăm mà ông Zelensky vừa thực hiện tới các nước châu Âu.

Văn phòng của Tổng thống Macron thông báo cho biết Pháp sẽ cung cấp hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép “trong những tuần tới” cho Ukraine. Pháp cũng hứa hẹn sẽ có hỗ trợ cho Ukraine nhiều hệ thống phòng không, song không tiết lộ cụ thể.

Là nước tài trợ lớn thứ 2 cho Ukraine (sau Mỹ), Anh đã cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 4,6 tỷ bảng Anh cho Ukraine cho đến nay. Không những thế, Anh còn đang tổ chức một chương trình đào tạo (Chiến dịch Interflex), được hỗ trợ bởi một số đồng minh, với mục đích đào tạo 30.000 nhân viên Ukraine mới và hiện có vào cuối năm 2023.

Liên hợp quốc kêu gọi gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Ngày 15/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths đã kêu gọi tiếp tục gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine và các sản phẩm nông nghiệp khác để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths phát biểu trực tuyến trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 15/5/2023. (Ảnh: Xinhua)

Ông Griffiths nhấn mạnh, thực phẩm được xuất khẩu theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen cùng các mặt hàng thực phẩm, phân bón xuất khẩu từ Nga tiếp tục đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu. Đến nay, hơn 30 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu an toàn từ Ukraine theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Ông Griffiths cho biết các mặt hàng xuất khẩu bao gồm khoảng 600.000 tấn lúa mì do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vận chuyển, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động nhân đạo ở Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.

Quan chức này dẫn số liệu phân tích mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra rằng giá ngũ cốc toàn cầu đã giảm gần 20% trong 12 tháng qua. Vào tháng trước, giá lúa mì quốc tế đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc lần đầu ngày 22/7/2022 và có hiệu lực trong 120 ngày; sau đó, được gia hạn 2 lần vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày). Nếu không được tiếp tục gia hạn, thỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 18/5. Tuần trước, Nga, Ukaine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc đã tiến hành một cuộc họp cấp cao 4 bên ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thảo luận về việc mở rộng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Về phía Nga đã nhiều lần đã cảnh báo về kịch bản sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận sau thời điểm 18/5, với lý do rằng hoạt động xuất khẩu của nước này đang bị cản trở.

Các chuyên gia nhận định, việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen rất cần thiết bởi thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Tổng tuyển cử ở Thái Lan

Đến trưa ngày 15/5, công tác kiểm phiếu của EC đối với cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5 đã hoàn tất. Chủ tịch EC Ittiporn Boonpracong cho biết, đảng Tiến bước (MFP) đã giành được tổng cộng 152 ghế tại Hạ viên (gồm 113 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 39 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng); tiếp theo là đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng thứ hai với 141 ghế; đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) đứng thứ ba với 70 ghế; đứng thứ tư là đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP) với tổng số ghế đạt được là 40 ghế; đứng thứ năm là đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha với 36 ghế.

Lãnh đạo đảng MFP - ông Pita Limjaroenrat phát biểu trước truyền thông ngày 15/5 sau khi có kết quả tổng tuyển cử. (Ảnh: CNA/AP)

Cũng theo Chủ tịch EC, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Thái Lan đạt 75,22%, cao hơn mức kỷ lục 75,03% trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2011.

Ngay sau khi có kết quả cuộc tổng tuyển cử, lãnh đạo đảng MFP, ông Pita Limjaroenrat cho biết ông sẽ tìm cách xây dựng một liên minh 6 bên, trong đó sẽ bao gồm đảng Vì nước Thái. Nhà lãnh đạo 42 tuổi này cho biết, ông đã liên hệ với bà Paetongtarn Shinawatra, một trong các ứng cử viên thủ tướng của đảng Vì nước Thái, để mời bà Paetongtarn tham gia liên minh nhằm thành lập chính phủ mới.

Về phần mình, các nhà lãnh đạo đảng Vì nước Thái trong cuộc họp báo ngày 15/5 cho biết, họ đã đồng ý với đề xuất thành lập một liên minh với đảng MFP. Các lãnh đạo đảng Vì nước Thái bày tỏ tin tưởng rằng liên minh gồm 309 ghế tại Hạ viện đủ để xây dựng chính phủ ổn định. Tuy nhiên, đảng này cho rằng việc đề cử Thủ tướng còn phụ thuộc vào các yêu cầu pháp lý.

Trước đó, ngày 14/5, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đã tham gia bỏ phiếu cho cuộc tổng tuyển cử của nước này. Theo Cảnh sát trưởng quốc gia, Tướng Damrongsak Kittiprapas, hơn 150.000 cảnh sát đã được triển khai để duy trì trật tự tại 94.737 điểm bỏ phiếu trên cả nước./.

Theo ĐCSVN



  • Từ khóa