Thứ 2, 25/11/2024, 08:53[GMT+7]

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở châu Phi - Sự kiện mang tính bước ngoặt

Thứ 4, 06/09/2023 | 08:54:40
4,394 lượt xem
Trước sự cấp bách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu tại châu Phi, dự kiến các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD sẽ được công bố tại hội nghị lần này.

Video: Hội_nghị_Thượng_đỉnh_về_Khí_hậu_ở_châu_Phi_-_Sự_kiện_mang_tính_bước_ngoặt_-_VTV.VN.mp4

Diễn ra trong ba ngày (từ 4 đến 6/9), tại thủ đô Nairobi của Kenya, Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu thu hút những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương và đại diện thanh niên từ khắp châu Phi và thế giới, tham gia bàn thảo để giải quyết những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác vì một tương lai bền vững.

Với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng xanh và các giải pháp tài chính khí hậu cho châu Phi và thế giới", hội nghị lần này là cơ hội để châu Phi củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua các giải pháp tài chính khí hậu, đồng thời giới thiệu tiềm năng của châu lục, thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh, đưa châu Phi trở thành một lục địa dẫn đầu trong xử lý biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các bộ trưởng môi trường, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà vận động khí hậu sẽ thảo luận về cách mở rộng quy mô tài chính khí hậu và thị trường carbon, đầu tư để thích ứng với nhiệt độ tăng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng đang thúc đẩy các công cụ tài chính dựa trên thị trường như tín dụng carbon nhằm huy động nguồn tài trợ. Tín dụng carbon cho phép những nước gây ô nhiễm bù đắp lượng khí thải bằng cách tài trợ cho các hoạt động như trồng cây và năng lượng tái tạo.

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở châu Phi - Sự kiện mang tính bước ngoặt - Ảnh 1.

Ông John Kerry - Đặc phái viên về khí hậu Mỹ phát biểu tại hội nghị

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Châu Phi chỉ chiếm 4% lượng khí thải toàn cầu, nhưng khu vực này phải chịu một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Trung bình, các nước châu Phi phải trả số tiền vay nhiều gấp 4 lần so với Hoa Kỳ và gấp 8 lần so với các nước châu Âu giàu có nhất. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh công bằng và bình đẳng đồng thời hỗ trợ sự phát triển rộng rãi hơn trên khắp châu Phi đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh mạnh mẽ.

Tổng thống Kenya William Ruto: "Chúng ta có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào cũng như tài nguyên thiên nhiên để xanh hóa hoạt động tiêu dùng của chính chúng ta, đồng thời đóng góp một cách có ý nghĩa vào quá trình khử carbon của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải nhìn thấy trong tăng trưởng xanh, không chỉ là sự bắt buộc mà còn là những cơ hội kinh tế trị giá hàng tỷ USD mà châu Phi và thế giới sẵn sàng tận dụng".

Ông Ali Mohamed - Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Kenya: "Châu Phi và nhiều nơi trên thế giới tiếp tục phải gánh chịu những mất mát và thiệt hại phát sinh từ biến đổi khí hậu. Do đó, những khu vực này cần được hỗ trợ để tái thiết và xây dựng lại".

Ông John Kerry - Đặc phái viên về khí hậu Mỹ: "Với sự lãnh đạo của Sáng kiến thị trường carbon châu Phi, các quốc gia đang định vị mình để tham gia đầy đủ vào một thị trường đang phát triển, điều này sẽ giúp đáp ứng đồng thời các thách thức về khí hậu và phát triển".

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở châu Phi - Sự kiện mang tính bước ngoặt - Ảnh 2.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Hành động vì khí hậu có thể là một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng của châu Phi. Nhưng để làm được điều này, châu Phi cần sự đầu tư lớn và châu Âu muốn trở thành đối tác của Châu Phi".

Nơi dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu

Một trong những chủ đề chính tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu châu Phi lần này là tìm cách giúp lục địa này có thể thích ứng với thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Báo cáo do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố hôm qua cho thấy, châu Phi, với 1,2 tỷ dân, đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh và phải hứng chịu những thảm họa thời tiết và khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, tốc độ nóng lên trung bình ở châu Phi là 0,3 độ C mỗi thập kỷ trong giai đoạn 1991-2022, so với 0,2 độ trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây, châu Phi đã trải qua một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan mà các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở châu Phi - Sự kiện mang tính bước ngoặt - Ảnh 3.

Hạn hán

Ethiopia, Kenya và Somalia đã trải qua 5 mùa mưa khô hạn liên tiếp từ năm 2020 đến 2022. Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất ở vùng Sừng châu Phi trong 40 năm.

Hạn hán đã khiến hơn 23 triệu người trên toàn khu vực phải đối mặt với nạn đói trầm trọng. Tuy nhiên, khi những cơn mưa đến vào tháng 3, chúng lại dữ dội bất thường, gây lũ quét, làm ngập nhà cửa, cuốn trôi gia súc.

Bão

Là một trong những cơn bão nguy hiểm nhất càn quét châu Phi trong 2 thập kỷ qua, bão Freddy đã quét qua Malawi, Mozambique và Madagascar vào cuối tháng 2, sau đó quay trở lại vào tháng 3.

Di chuyển hơn 8.000 km trên toàn bộ Nam Ấn Độ Dương và hoành hành trong hơn 1 tháng, Freddy có thể là cơn bão nhiệt đới kéo dài nhất từng được ghi nhận. Lũ lụt, lốc xoáy đã khiến 1.000 người thiệt mạng, buộc hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu ở châu Phi - Sự kiện mang tính bước ngoặt - Ảnh 4.

Lũ lụt

Năm 2022, Tây và Trung Phi đã trải qua một trong những thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất được ghi nhận. Hơn 1.500 người đã thiệt mạng và 3,2 triệu người phải di dời ở 20 quốc gia.

Mưa lớn và lũ lụt cũng phá hủy 1,6 triệu ha đất nông nghiệp. Nigeria, Chad và Cộng hòa Dân chủ Congo nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước sự cấp bách nhằm ứng phó biến đổi khí hậu tại châu Phi, dự kiến các thỏa thuận trị giá hàng trăm triệu USD sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh này.

Bên cạnh đó, hội nghị còn chuẩn bị cho sự phối hợp từ các nhà lãnh đạo châu Phi để kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách nhanh chóng và công bằng, nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 28 của Liên hợp quốc (COP28) diễn ra vào cuối năm nay.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa