Thứ 3, 23/07/2024, 19:13[GMT+7]

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận về nhiều vấn đề nóng toàn cầu

Thứ 5, 07/09/2023 | 07:54:51
2,332 lượt xem
Lần đầu tiên Hội nghị G20 được tổ chức ở Nam Á, sự kiện sẽ bao gồm các cuộc gặp và trao đổi giữa các nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức.

Video: Hội_nghị_Thượng_đỉnh_G20_tập_trung_thảo_luận_về_nhiều_vấn_đề_nóng_toàn_cầu_-_VTV.VN.mp4

Một trong các sự kiện chính trị quốc tế được quan tâm trong tuần là Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), dự kiến diễn ra trong hai ngày (9 và 10/9) tại New Delhi, Ấn Độ. Năm nay là lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Nam Á, sự kiện sẽ bao gồm nhiều cuộc gặp và trao đổi giữa các nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức. Loạt vấn đề được lãnh đạo các nước thành viên G20 thảo luận trong những năm gần đây đã mở rộng từ kinh tế sang biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, xóa nợ quốc tế và đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.

Với chủ đề "Thế giới là một gia đình", Ấn Độ mong muốn hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi tập trung vào phát triển bền vững, cũng như các biện pháp nhằm lan tỏa tăng trưởng kinh tế đồng đều hơn giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Ông Subhramanyam Jaishankar - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ: "Ngày nay, chúng ta có trách nhiệm trong một thế giới rất khó khăn: tác động của COVID-19, tác động từ biến đổi khí hậu, nợ nần… Vậy làm thế nào để gắn kết mọi người lại với nhau, làm thế nào để tìm thấy điểm chung khiến mọi người hiểu rằng tất cả chúng ta có trách nhiệm lớn hơn. Vì thế, liệu chúng ta có thể cùng nhau hành động và làm những gì mà thế giới cho là đúng hay không?".

Ấn Độ, với thế mạnh có mối quan hệ lâu dài với các quốc gia đang phát triển và gần đây đã nhanh chóng tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây, đã sử dụng G20 làm nền tảng để vận động cho các nước Nam bán cầu, đóng vai trò cầu nối để truyền đạt nhu cầu của thế giới đang phát triển tới các nhà lãnh đạo phương Tây.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận về nhiều vấn đề nóng toàn cầu - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Do đó, các vấn đề được các nền kinh tế mới nổi quan tâm đã được đưa vào chương trình nghị sự từ việc tăng thêm khoản vay cho các quốc gia đang phát triển từ các tổ chức đa phương, cải cách cơ cấu nợ quốc tế, quy định về tiền điện tử và tác động từ bất ổn địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: "Khi nền kinh tế kỹ thuật số lan rộng trên toàn cầu, nó sẽ phải đối mặt với các mối đe dọa và thách thức về an ninh. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải xây dựng sự đồng thuận về các nguyên tắc cấp cao của G20 để có một nền kinh tế kỹ thuật số an toàn, đáng tin cậy và kiên cường".

Ngoài ra, những vấn đề liên quan các bất ổn địa chính trị toàn cầu cũng được cho là sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị.

Những thách thức tại Hội nghị Thượng đỉnh G20

Vai trò của G20 thực sự nổi lên trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008, khi ấy G20 được nâng cấp lên thành các cuộc họp thượng đỉnh, đã tạo ra một cơ chế quan trọng để phối hợp giữa các ngân hàng Trung ương và hệ thống tài chính của các nước thành viên. Vào thời điểm đó, các quốc gia G20 đã đồng ý chi 4.000 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế thế giới, cắt giảm các rào cản thương mại và thực hiện cải cách hệ thống tài chính.

Giờ đây, nền kinh tế thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức không kém phần phức tạp, từ an ninh năng lượng, an ninh lương thực, rồi lạm phát... Vậy nhưng liệu G20 có thể tìm ra được tiếng nói đồng thuận như họ đã từng tạo ra hồi khủng hoảng năm 2008.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 tập trung thảo luận về nhiều vấn đề nóng toàn cầu - Ảnh 2.

Xét trong bối cảnh hiện nay thì để G20 tìm ra tiếng nói chung cho các vấn đề đang tỏ ra khó khăn hơn rất nhiều. Có lẽ cũng không phải vô cớ, nước chủ nhà Ấn Độ lại chọn chủ đề cho G20 năm nay là "Một trái đất - Một gia đình - Một thế giới", nhấn mạnh đến tính liên kết chặt chẽ sinh mệnh giữa các quốc gia ngày nay. Chúng ta không thể khỏe mạnh nếu như một phần của thế giới vẫn đang có vấn đề. Vậy nên chỉ có chung tay cùng giải quyết các vấn đề của thế giới, chúng ta mới đảm bảo được một điều kiện sống lành mạnh cho chính mình.

Kỳ vọng về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh G20

Những gì mà dư luận nước chủ nhà Ấn Độ đang nói đến là cho dù G20 đang đứng trước những phép thử to lớn, nhưng không có nghĩa là các nước G20 không dám thử mà cứ thế buông xuôi trước các vấn đề phức tạp hiện nay.

Nếu như nhìn lại lịch sử, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đóng vai trò quan trọng ngày nay, đều bắt nguồn từ thời kỳ hậu Thế chiến thứ hai, hay nói cách khác là sau một giai đoạn chia rẽ sâu sắc.

Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ lần này có thể sẽ không đạt được một bước tiến đột phá nào trong việc hàn gắn các quốc gia, nhưng nước chủ nhà Ấn Độ thì vẫn kỳ vọng họ sẽ tạo ra được những nền tảng nhất định, những viên gạch cho dù là ban đầu để kéo các nước lại, cùng chung tay giải quyết các vấn đề hiện nay.

G20 tập trung 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, chiếm tới khoảng 90% GDP toàn cầu. Do đó, thế giới đều kỳ vọng vào những kết quả tích cực từ hội nghị lần này. Giữa bối cảnh khủng hoảng đa chiều toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ cần đóng vai trò nhà điều phối khéo léo các đối tác để hạn chế tối đa bất đồng, tranh thủ đồng thuận trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, kết nối hài hòa giữa các quốc gia Bắc bán cầu và Nam bán cầu vì sự phục hồi, phát triển bền vững, ổn định và an ninh toàn cầu.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa