Thứ 7, 28/12/2024, 23:13[GMT+7]

G20 kết nạp AU: Xu thế mở rộng

Thứ 4, 13/09/2023 | 10:47:28
5,770 lượt xem
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc ở Ấn Ðộ đã cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). Cuối tháng 8 vừa qua, nhóm BRICS cũng kết nạp thêm sáu thành viên. Hai sự kiện này cho thấy xu thế mở rộng các tổ chức khu vực và quốc tế đang ngày càng rõ nét.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải, hàng trước) trao búa chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái, hàng trước) tại lễ bế mạc Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia), ngày 16/11/2022.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Ðộ, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi thông báo, G20 đã đạt đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho AU. Trong bảy năm qua, AU tích cực vận động để có được tư cách này. Quyết định của G20 kết nạp AU với hơn 50 quốc gia thành viên là một sự công nhận vị thế và vai trò ngày càng tăng của châu Phi.

Ngay sau quyết định mở rộng của G20, Liên đoàn Arab (AL) cũng bày tỏ mong muốn sớm được “nối gót” AU để gia nhập nhóm. Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit hoan nghênh việc G20 cấp tư cách thành viên thường trực cho AU, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng AL cũng sẽ có được tư cách này. Ông Ahmed Aboul-Gheit đánh giá quyết định nêu trên của G20 là bước đi tích cực, mang lại lợi ích cho cả hai bên và góp phần củng cố vai trò của các nước châu Phi trong phát triển kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh tư cách thành viên G20 sẽ giúp nâng cao năng lực của châu Phi trong việc góp phần giải quyết các vấn đề then chốt toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực…

G20 là một diễn đàn liên chính phủ bao gồm thành viên từ 19 nước công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU). G20 đại diện cho khoảng 85% GDP toàn cầu, hơn 75% kim ngạch thương mại thế giới và 70% dân số trên Trái đất. Trong khi đó, AU có tổng cộng 55 thành viên, GDP khoảng 3.000 tỷ USD và dân số hơn 1,4 tỷ người.

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức cuối tháng 8 vừa qua tại Nam Phi cũng quyết định mở rộng khối bằng việc kết nạp sáu nước, qua đó nâng tổng số thành viên lên 11. Với quyết định này, sáu quốc gia tới từ các khu vực Mỹ Latin, châu Phi và Tây Á gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ chính thức trở thành thành viên BRICS từ đầu năm 2024. Nước chủ nhà Nam Phi còn chia sẻ thông tin rằng, có tới 40 nước bày tỏ quan tâm tham gia BRICS, trong đó có 22 quốc gia đã đưa ra lời đề nghị chính thức.

Tổng thống Brazil Luiz Lula da Silva tự hào cho biết, việc có nhiều nước mong muốn gia nhập BRICS cho thấy đường lối đúng đắn của nhóm khi quyết định theo đuổi trật tự kinh tế thế giới mới. Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định khối này luôn sẵn sàng chào đón các ứng cử viên mới. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi khẳng định, việc mở rộng BRICS hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế... đối với các nước đang phát triển.

Trong bài phát biểu bằng hình thức trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez bày tỏ vinh dự khi Argentina được mời gia nhập BRICS, cho rằng việc nhóm kết nạp thêm thành viên sẽ giúp tạo ra động lực mới cho tiếng nói của khu vực nam bán cầu.

Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ cho rằng, việc mở rộng BRICS thể hiện sự nổi lên của xu thế đa cực trong một thế giới nhiều biến động. Khởi đầu với bốn quốc gia gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ và Trung Quốc vào năm 2009, BRICS có thêm sự hiện diện của Nam Phi một năm sau đó. Với việc kết nạp thêm sáu thành viên mới, BRICS sẽ trải dài trên 48,5 triệu km2 lãnh thổ, có 3,6 tỷ dân (tương đương 45% tổng dân số toàn cầu), với GDP khoảng 65 nghìn tỷ USD (chiếm 37% GDP toàn thế giới).

Các nhà lãnh đạo G20 và BRICS tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng kết nạp thêm các thành viên mới với mục tiêu tăng cường vai trò, sự bao trùm và sức ảnh hưởng của các nhóm này. Rõ ràng, đây là xu thế mà các tổ chức khu vực và quốc tế hướng tới trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa