Thứ 7, 28/12/2024, 21:12[GMT+7]

Hội nghị thượng đỉnh G77+ Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung Havana

Thứ 3, 19/09/2023 | 07:59:25
7,769 lượt xem
Một trong các sự kiện đa phương thu hút sự quan tâm cuối tuần qua là Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77+ Trung Quốc lần đầu tiên diễn ra tại Lahabana, Cuba.

Video: Hội_nghị_thượng_đỉnh_G77+_Trung_Quốc_thông_qua_Tuyên_bố_chung_Havana_-_VTV.VN.mp4

Nhóm 77 (G77) tại Liên hợp quốc là một liên minh gồm 134 quốc gia đang phát triển, được thiết kế để thúc đẩy lợi ích kinh tế tập thể của các thành viên và tạo ra khả năng đàm phán chung được tăng cường tại Liên hợp quốc.

Diễn ra trong hai ngày (15-16/9), Hội nghị thượng đỉnh G77+ Trung Quốc đã thông qua tuyên bố chung Havana với nhiều vấn đề quan trọng, thể hiện vai trò ngày càng tăng của các nước Nam bán cầu trước các thách thức chung của thế giới.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố Havana về "các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", đạt được nhận thức chung và đồng thuận về một số nội dung quan trọng. Các nhà lãnh đạo kêu gọi thiết lập một trật tự kinh tế thế giới mới, tăng cường tiếng nói của các nước Nam bán cầu, thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị kinh tế và tài chính toàn cầu bao trùm, hiệu quả và toàn diện hơn.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro: "G77+ Trung Quốc phải thúc đẩy một sáng kiến toàn cầu mạnh mẽ trong Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn các biện pháp đơn phương chống lại tất cả các quốc gia trên thế giới".

Hội nghị thượng đỉnh G77+ Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung Havana - Ảnh 1.

Các quan chức tham dự hội nghị đã kêu gọi tăng cường hợp tác Bắc - Nam về tài chính cho phát triển; thúc đẩy hợp tác Nam - Nam, các mô hình ba bên và các cơ chế hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, vừa là động lực, vừa là chất xúc tác cho tăng trưởng bao trùm, giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega: "Sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong và giữa các quốc gia cũng như những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, bão cát và bụi, suy thoái môi trường cũng như khoảng cách kỹ thuật số, cho đến nay vẫn chưa có lộ trình rõ ràng để giải quyết những thách thức toàn cầu này, đó là điều chúng tôi cam kết thực hiện".

Với những kết quả trên, hội nghị đã cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các nước đang phát triển đối với các cơ chế hợp tác phương nam, trong đó có G77 để thúc đẩy đoàn kết, hợp tác Nam bán cầu nhằm thực hiện các mục tiêu chung.

Hợp tác, đoàn kết giải quyết các thách thức toàn cầu

Một trong các điểm đáng chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc là những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh thông điệp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa giải quyết các thách thức toàn cầu và "vaccine" của các vấn đề toàn cầu chính là hợp tác, đoàn kết quốc tế và khoa học, công nghệ. Thông điệp của Việt Nam cũng được nhiều quốc gia ủng hộ, chia sẻ.

Hội nghị thượng đỉnh G77+ Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung Havana - Ảnh 2.

Trong bối cảnh thế giới và nhất là các nước đang phát triển đang phải đứng trước một cuộc khủng hoảng đa chiều như hiện nay, từ tình trạng bất bình đẳng thương mại, phân mảnh kinh tế cho đến tình trạng nóng lên toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc khi tham dự Hội nghị G77+Trung Quốc đã nhấn mạnh, các quốc gia đang phát triển đang bị mắc kẹt trong khủng hoảng toàn cầu, đồng thời nêu cao vai trò của G77 tại diễn đàn Liên hợp quốc.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres: "Tiếng nói của Nhóm 77+ với Trung Quốc sẽ luôn là trung tâm tại Liên hợp quốc và tôi tin tưởng vào nhóm của các bạn, những người luôn ủng hộ chủ nghĩa đa phương, sẽ tiến lên".

Một loạt các diễn đàn đa phương, từ Hội nghị thượng đỉnh G20, Hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS cho tới G77+ Trung Quốc đã cho thấy thế giới ngày càng trở nên đa cực hơn, song cũng phân cực hơn và có thể là một yếu tố làm leo thang căng thẳng địa chiến lược và gây ra những hậu quả khôn lường. Trong bối cảnh đó, đoàn kết, hợp tác được xác định là lời giải cho các thách thức toàn cầu.

Hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud - Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia: "Chúng tôi rất tin tưởng rằng hợp tác quốc tế là chìa khóa để khắc phục hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. Đất nước tôi muốn tiếp tục con đường hợp tác này để làm việc với tất cả các nước trên thế giới".

Hội nghị thượng đỉnh G77+ Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung Havana - Ảnh 3.

Chính những thông điệp này dự kiến cũng sẽ được đại diện các nước G77 nêu ra tại Khóa họp 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến khai mạc ngày 19/9 về "Xây dựng lại lòng tin và khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người".

Trước những diễn biến phức tạp của các điểm nóng toàn cầu, sự phân cực về chính trị và phân mảnh về kinh tế, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đang tiếp tục nhấn mạnh vai trò của hợp tác Nam - Nam, sự đoàn kết, hợp tác hơn nữa của các nước Nam bán cầu nhằm tăng cường tiếng nói của các quốc gia này trong xây dựng, cải tổ các cơ chế quản trị toàn cầu, từ đó giúp nỗ lực tìm ra các giải pháp hòa bình, giải quyết các thách thức chung của toàn thế giới hiện nay, từ các điểm nóng xung đột, thách thức kinh tế, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng cho đến các hệ lụy từ biến đổi khí hậu.

Và như các quan chức Liên hợp quốc nhiều lần nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thì cần phải có các nỗ lực khẩn cấp, hành động tập thể để đưa thế giới đi đúng hướng, trên cơ sở một cam kết mới với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa