Thứ 7, 28/12/2024, 21:37[GMT+7]

Khai mạc Tuần lễ cấp cao và Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng

Thứ 4, 20/09/2023 | 09:31:52
6,105 lượt xem
Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay ghi nhận số lượng hội nghị cấp cao nhiều kỷ lục với 9 hội nghị và sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ.

Ảnh minh họa

Ngày 19/9, Tuần lễ Cấp cao và Phiên thảo luận chung cấp cao trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 diễn ra từ ngày 18-26/9, trong khi Phiên thảo luận cấp cao diễn ra từ ngày 19-22/9.

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu của đời sống chính trị thế giới, với sự tham dự đông đảo của lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên.

Tuần lễ Cấp cao năm nay ghi nhận số lượng hội nghị cấp cao nhiều kỷ lục với 9 hội nghị và sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ.

Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc là tâm điểm của ngoại giao đa phương ở cấp độ và tần suất hoạt động cao nhất.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới các sự kiện tâm điểm là các hội nghị cấp cao.

Hội nghị Cấp cao đánh giá lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) diễn ra từ ngày 18-19/9.

Hội nghị do Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 chủ trì này diễn ra trong bối cảnh tiến trình hoàn thành các mục tiêu SDGs theo Chương trình nghị sự 2030 đang bị chậm trễ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các Mục tiêu Phát triển Bền vững đang lâm nguy.

Theo ông Guterres, tiến độ thực hiện 50% trong số 17 mục tiêu SDGs hiện ở mức yếu và không đầy đủ. Do vậy, hội nghị là dịp để lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế lắng nghe báo cáo thực hiện SDGs, cũng như các đề xuất ứng phó với hàng loạt thách thức và các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt.

Ngày 20/9, Liên hợp quốc sẽ tổ chức Đối thoại Cấp cao về tài chính cho phát triển.

Đối thoại là cơ hội để các nước nhìn lại quá trình triển khai Chương trình Hành động Addis Ababa được thông qua vào năm 2015 nhằm cung cấp khuôn khổ toàn cầu mới với mục tiêu huy động nguồn tài chính cho phát triển bền vững qua việc điều hòa tất cả các dòng tài chính và chính sách với các ưu tiên kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong ngày 20/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cũng sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu nhằm hối thúc cộng đồng quốc tế, các chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đẩy nhanh các nỗ lực hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là đưa phát thải ròng về 0% vào năm 2050 và nhiệt độ ấm lên của Trái Đất không quá 1,5 độ C.

Hội nghị là một cột mốc có ý nghĩa quan trọng về chính trị nhằm thể hiện ý chí tập thể trong việc đẩy nhanh tốc độ và quy mô quá trình chuyển đổi công bằng sang một nền kinh tế dựa trên năng lượng tái tạo, thích ứng với khí hậu.

Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19, Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch (PPPR) trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc năm nay có ý nghĩa đặc biệt.

Hội nghị là dịp để các thành viên Liên hợp quốc huy động thêm nỗ lực chính trị, tìm kiếm một cách tiếp cận đa ngành nhằm ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch. Dự kiến, hội nghị sẽ ra Tuyên bố Chính trị về vấn đề này.

Ngoài ra, Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 còn có hàng loạt sự kiện quan trọng khác như Phiên họp cấp cao về y tế, Hội nghị thượng đỉnh tương lai…

Tuần lễ Cấp cao và Phiên thảo luận cấp cao năm nay được kỳ vọng là dịp để các nước cùng tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế, cam kết đối với chủ nghĩa đa phương trong đó Liên hợp quốc có vị trí trung tâm, với chủ đề bao trùm của khóa họp là “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”./.

Theo vietnamplus.vn

  • Từ khóa