Thứ 7, 28/12/2024, 08:27[GMT+7]

Đại biểu của 73 quốc gia trên thế giới dự Đối thoại toàn cầu Berlin

Thứ 6, 29/09/2023 | 14:37:56
3,976 lượt xem
Đối thoại toàn cầu Berlin được tổ chức theo đề xuất từ ông Lars-Hendrik Röller, giáo sư kinh tế tại ESMT và trước đây là Cố vấn kinh tế trong 10 năm cho cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Đối thoại toàn cầu Berlin.

Ngày 28/9 tại thủ đô Berlin của Đức, diễn đàn "Đối thoại toàn cầu Berlin" (Berlin Global Dialogue) đã được tổ chức lần đầu tiên, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ giới chính trị, kinh tế, chuyên gia và quản lý cấp cao đến từ 73 quốc gia trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh tham dự diễn đàn được đánh giá là tương tự mô hình Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos ở Thuỵ Sĩ này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, diễn đàn kéo dài trong 2 ngày 28-29/9 tại Trường Quản lý và Công nghệ châu Âu (ESMT). Lễ khai mạc có khoảng 400 đại biểu tham dự.

Diễn đàn tập trung vào sự thay đổi, hướng tới một trật tự kinh tế toàn cầu mới, các công nghệ không phát thải CO2 và một xã hội công bằng hơn.

Trong ngày đầu tiên, diễn đàn có 2 phiên đối thoại tiêu điểm gồm "Vai trò của Kazakhstan trong chuyển dịch kinh tế toàn cầu" với sự hiện diện của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và "Tăng cường hợp tác trong một thế giới đa cực" với bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh thế giới ngày nay là một trật tự đa cực. Nhiều quốc gia châu Á và châu Phi... sẽ không chấp nhận việc "đi theo" nước khác mà sẽ phát triển những chiến lược riêng.

Theo nhà lãnh đạo Đức, trật tự thế giới đa cực đòi hỏi các quốc gia có hệ thống chính trị và xã hội khác nhau phải hợp tác cùng nhau.

Ngoài hai phiên nêu trên, ngày khai mạc còn có phiên đối thoại về cách thức huy động vốn tư nhân cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang sản xuất năng lượng không carbon, với sự tham gia thảo luận của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Indonesia và các đại diện doanh nghiệp hàng đầu đến từ Mỹ, Đức và Ấn Độ.

Các diễn giả đánh giá về việc khu vực Nam bán cầu sẽ tiếp tục sản xuất năng lượng hóa thạch trong nhiều thập kỷ tới, do dân số tiếp tục tăng nhanh; những tồn tại của quá trình công nghiệp hóa và khó khăn về tài chính đang buộc các nước tiếp tục phụ thuộc vào điện từ than giá rẻ.

Trong khi đó, Tổng thống Kazakhstan Tokayev nhấn mạnh rằng các nước mới nổi cũng đặt ra cho mình những mục tiêu chuyển đổi đầy tham vọng.

Theo ông, với diện tích tương đương khu vực Tây Âu, Kazakhstan hiện sử dụng 70% năng lượng từ than vẫn đặt mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2060.

Đối thoại toàn cầu Berlin được tổ chức theo đề xuất từ ông Lars-Hendrik Röller, giáo sư kinh tế tại ESMT và trước đây là Cố vấn kinh tế trong 10 năm cho cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Röller nói rằng Berlin và nước Đức sẽ tự hào khi khởi xướng một nền tảng mới là nơi gặp gỡ trao đổi toàn cầu, dự kiến sẽ được tổ chức hằng năm trong tương lai.

Mục tiêu của diễn đàn là "đối thoại thay vì độc thoại" - một diễn đàn đối thoại ngang tầm giữa Bắc và Nam, Đông và Tây, đặc biệt là giữa giới kinh doanh và giới chính trị./.

Theo vietnamplus.vn

  • Từ khóa