Chủ nhật, 24/11/2024, 13:46[GMT+7]

EU tìm tiếng nói chung trong loạt vấn đề cấp bách

Chủ nhật, 24/03/2024 | 07:20:13
6,952 lượt xem
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) là dịp để các nước thành viên tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết những thách thức ở cả trong lẫn ngoài khối. Tại Hội nghị thượng đỉnh vừa khép lại ở thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU vạch ra những định hướng chính sách quan trọng trong hàng loạt vấn đề cấp bách, từ tăng cường năng lực phòng thủ chung, mở rộng và cải cách liên minh, ứng phó làn sóng di cư đến viện trợ Ukraine, khủng hoảng tại Trung Đông…

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu chụp ảnh cùng các đối tác tại Khu vực Kinh tế châu Âu, Iceland, Na Uy và Liechtenstein. Brussels, Bỉ

Tăng cường năng lực phòng thủ chung của châu Âu phù hợp nhu cầu, mục tiêu của EU, cũng như khả năng của các nước thành viên, là một trong những trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Lãnh đạo các quốc gia thành viên cho rằng, việc EU bảo vệ an ninh vững chắc hơn sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực bảo đảm an ninh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiện vẫn là nền tảng phòng thủ tập thể cho các nước thành viên.

Để tăng cường khả năng phòng thủ chung, EU kêu gọi các nước thành viên đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng, khuyến khích phát triển và mua sắm chung để lấp đầy những khoảng trống an ninh của khối… Các nhà lãnh đạo EU cũng kêu gọi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) điều chỉnh chính sách cho vay nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của ngành công nghiệp quốc phòng.

Để có thể trở thành thành viên của EU, các quốc gia phải tiến hành cải cách sâu rộng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn mà khối này đặt ra. Dựa trên những kết quả mà Bosnia và Herzegovina thu được trong tiến trình cải cách và khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu (EC), tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã "bật đèn xanh" cho việc khởi động các cuộc đàm phán với nước này về việc gia nhập khối. Ngoài ra, EU cũng hoan nghênh những tiến bộ mà Ukraine và Moldova đạt được trên con đường tham gia "mái nhà chung" châu Âu. Cùng với những động thái từ các nước mong muốn gia nhập, việc cải cách nội khối và chuẩn bị sẵn sàng cho tiến trình mở rộng cũng được EU trao đổi tại hội nghị.

Những làn sóng di cư đổ bộ vào châu Âu luôn là vấn nạn dai dẳng với EU, gây ra nhiều bất đồng nội khối về việc tiếp nhận và phân bổ người tị nạn. Thực trạng di cư, cũng như đánh giá của EC về thành tựu trong giải quyết thách thức này những năm qua được Hội nghị thượng đỉnh xem xét kỹ. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo EU khẳng định lại cách tiếp cận chiến lược đối với vấn đề này, trong đó phối hợp các quốc gia mà người di cư xuất phát và quá cảnh, giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư, xem xét cơ hội di cư hợp pháp và kiểm soát hiệu quả biên giới ngoài khối. Khi phần lớn người di cư bất hợp pháp tới châu Âu là có sự nhúng tay của những kẻ buôn người, các nhà lãnh đạo EU quyết tâm tăng cường mọi công cụ nhằm chống nạn buôn người, đồng thời thúc đẩy thành lập một liên minh toàn cầu để ứng phó thách thức này.

Cuộc xung đột tại Ukraine là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của EU. Trong bối cảnh cuộc xung đột tiếp diễn và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Ukraine; khẳng định tiếp tục dành cho nước này mọi sự hỗ trợ cần thiết về chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao. Tại Hội nghị thượng đỉnh, EU kêu gọi các nước thành viên đẩy mạnh và tăng tốc hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc viện trợ đạn dược. Các nước thành viên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu nhằm thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine.

Thảo luận các diễn biến mới nhất về tình hình Trung Đông, các nhà lãnh đạo EU bàng hoàng trước số dân thường thiệt mạng và các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở khu vực. Trước thách thức này, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi các bên tạm ngừng bắn ngay lập tức vì mục đích nhân đạo và hướng đến một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Dải Gaza, đồng thời tiến hành trao trả tất cả con tin vô điều kiện.

Các nhà lãnh đạo EU nhận định, nỗ lực hỗ trợ nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở vào Dải Gaza thông qua mọi tuyến đường đóng vai trò quan trọng. Trong kết luận của Hội nghị thượng đỉnh, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động làm xói mòn những nguyên tắc của giải pháp hai nhà nước. Bên cạnh đó, EU cũng nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ các đối tác khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn sự lan rộng và leo thang căng thẳng trong khu vực, nhất là ở Liban và Biển Đỏ.

Vẫn có những ý kiến trái chiều trong các vấn đề được bàn thảo, song theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Hội nghị thượng đỉnh vừa qua gửi đi thông điệp về sự đoàn kết của EU trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và thịnh vượng của các nước thành viên. Thông qua cuộc trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cũng nhắc lại quyết tâm trong việc phối hợp Liên hợp quốc thúc đẩy hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, đồng thời thể hiện EU là một đối tác tin cậy trong nỗ lực chung góp phần bảo đảm sự ổn định toàn cầu.


Theo nhandan.vn

  • Từ khóa