Chủ nhật, 24/11/2024, 07:03[GMT+7]

Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) định hình chặng đường phát triển mới

Thứ 5, 13/06/2024 | 07:31:44
6,947 lượt xem
Một sự kiện chính trị quốc tế đáng chú ý vừa diễn ra trong 2 ngày đầu tuần này là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Đối thoại "BRICS Plus" ở cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được tổ chức tại Nizhny Novgorod, Nga, ngày 11/6

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS được tổ chức tại thành phố Nizhny Novgorod của Nga. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của các Ngoại trưởng BRICS kể từ khi nhóm kết nạp thêm 5 thành viên vào đầu năm nay. Với quy mô lớn hơn, nhiều thành viên hơn, BRICS đang định hình lộ trình phát triển mới cho riêng mình. 

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), các bên đã thảo luận những vấn đề quan hệ quốc tế, chương trình nghị sự quốc tế, cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của các nước đang phát triển, giải quyết xung đột và tương tác trong các nền tảng đa phương hàng đầu.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề cập đến nhiều chủ đề như việc mở rộng BRICS+ sắp tới, các nỗ lực phi USD hóa, xây dựng mối quan hệ kinh tế và thương mại hơn nữa với nhau. Việc phát triển đồng tiền chung BRICS cũng đã được thảo luận.

Ông Sergei Lavrov - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga - phát biểu: "Các công việc đã bắt đầu dựa trên các sáng kiến quan trọng của Nga trong lĩnh vực giao thông vận tải, thành lập nhóm liên lạc về khí hậu và phát triển bền vững, nhóm làm việc về y học hạt nhân và hiệp hội y tế. Tất cả đang được tích cực tiến hành để thực hiện nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg năm 2023, đặc biệt là việc cải thiện hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, phát triển một nền tảng thanh toán bằng đồng nội tệ".

Tại Hội nghị lần này, BRICS đã định hình một lộ trình phát triển mới để khẳng định vai trò nổi bật hơn của nhóm trong các vấn đề toàn cầu và tiếng nói của thế giới đang phát triển phải được lắng nghe nhiều hơn. Lộ trình này bao gồm những nỗ lực chung nhằm tăng cường tính đa phương trong quan hệ quốc tế, xây dựng cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS trong khuôn khổ liên minh và trên các diễn đàn quốc tế, những định dạng đối thoại BRICS+ để tiếp xúc với những đối tác không thuộc khối.

Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp trong các vấn đề toàn cầu quan trọng - bao gồm hợp tác trong các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, G20 và Tổ chức Thương mại Thế giới; hợp tác chống khủng bố, chống tham nhũng, chống buôn bán ma túy và an toàn thông tin quốc tế.

Nhiệm kỳ Chủ tịch BRICS năm 2024 của Nga từng được Tổng thống Putin khẳng định sẽ "tập trung vào sự hợp tác tích cực và mang tính xây dựng với tất cả các nước liên quan". Theo đó, Nga nỗ lực để bảo đảm rằng, BRICS sẽ hỗ trợ sự hội nhập hài hòa của các thành viên mới trong mọi hoạt động của nhóm. Trong điều kiện BRICS đã và đang mở rộng, Nga sẽ nâng cao vị thế và tiếng nói của mình bằng một kế hoạch rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập hài hòa của những quốc gia thành viên mới trong mọi lĩnh vực. 

Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh nước này sẽ tập trung tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa các nước thành viên, hướng tới việc cùng tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả trước những thách thức đối với an ninh, ổn định của khu vực và quốc tế. Nga sẽ góp phần triển khai thực tế Chiến lược đối tác kinh tế BRICS 2025 và Kế hoạch hành động vì Hợp tác đổi mới BRICS 2021 - 2024 nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và lương thực, nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng hợp tác liên ngân hàng và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước thành viên.

Tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã thôi thúc BRICS củng cố và mở rộng khối. Tuy nhiên việc kết nạp thêm các thành viên mới cũng đồng nghĩa với nỗ lực vượt qua "những khó khăn trong tăng trưởng" giữa các quốc gia. Việc thúc đẩy đoàn kết, hòa hợp giữa các thành viên cũ và mới là nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời cũng có thể xem là thách thức của BRICS. 

BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm đa dạng các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau, do đó sẽ phải định hình một lộ trình phát triển mới để khẳng định vai trò nổi bật hơn của khối trong những vấn đề toàn cầu và tiếng nói của thế giới đang phát triển phải được chú trọng nhiều hơn. Theo Bộ Ngoại giao Nga, lộ trình này bao gồm những nỗ lực chung nhằm tăng cường tính đa phương trong quan hệ quốc tế, xây dựng những cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS trong khuôn khổ liên minh và trên các diễn đàn quốc tế, định dạng đối thoại BRICS+ để tiếp xúc với những đối tác không thuộc khối.

Giới chuyên gia nhận định nếu muốn việc mở rộng BRICS trở thành tác nhân thay đổi cục diện thế giới, khối này sẽ phải hành động một cách thận trọng và có chiến lược.

Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại thành phố Kazan của Nga vào tháng 10 năm nay. Đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược của khối, xác định những ưu tiên, hướng đi của BRICS trong nhiều năm tới, đồng thời cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa