Chủ nhật, 24/11/2024, 04:00[GMT+7]

Thế giới nỗ lực ứng phó thời tiết cực đoan

Thứ 5, 11/07/2024 | 15:45:18
6,932 lượt xem
Sáng 10/7, trận mưa lớn kỷ lục trong 200 năm đổ xuống các tỉnh Bắc Jeolla và Nam Chungcheong của Hàn Quốc, gây ngập lụt trên diện rộng. Theo Bộ Nội vụ Hàn Quốc, đã có 4 người chết trong các vụ liên quan mưa lớn và con số này dự kiến còn tăng.

Hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão tại Mỹ.

Đến nay, có 3.000 người phải sơ tán, gần 4.000 người mất nhà cửa, nhiều ô-tô, đê điều và các công trình công cộng ngập lụt. Mưa lớn cũng ảnh hưởng hoạt động của đường hàng không và đường sắt.

Khu vực Caribe đang đánh giá tổn thất do bão mạnh cấp 5 Beryl gây ra, sau khi cơn bão đầu mùa đã tàn phá Jamaica và các đảo phía đông Caribe. Lãnh đạo Grenada cho biết, thảm họa này tác động lớn đến tình hình kinh tế của đất nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình có khả năng chống bão, trong bối cảnh thời tiết ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

Tại Mỹ, Nhà Trắng cũng ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang, sau khi bão Beryl gây mất điện trên diện rộng tại bang Texas, ảnh hưởng đến 2 triệu người dân. Trong khi đó, một đợt sóng nhiệt dữ dội đang bao trùm khu vực miền tây, “xô đổ” các kỷ lục về nhiệt độ trước đây. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, khoảng 162 triệu người, chiếm gần một nửa dân số, đang sống ở những khu vực có cảnh báo nắng nóng. Trong đó, thành phố Las Vegas (bang Nevada) ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay, lên tới 48,9oC hôm 7/7.

Miền tây Canada cũng đối mặt nắng nóng cực độ, làm tăng nguy cơ cháy rừng tại nhiều tỉnh. Ngày 9/7, Bộ Môi trường Canada công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, biến đổi khí hậu khiến cho khả năng xảy ra đợt nắng nóng vừa qua tại bờ biển phía đông tăng từ 2 đến 10 lần, trong đó một phần nguyên nhân là do các hoạt động của con người. Trước đó, Cơ quan Giám sát Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) công bố số liệu thống kê cho thấy, thế giới vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, tại Nam Phi, đợt không khí lạnh trong vài ngày qua tại thành phố Cape Town gây ra hiện tượng tuyết rơi dày hiếm gặp tại khu vực miền núi. Gió mạnh và mưa lớn đã làm hư hại các tòa nhà và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa. Cơ quan Thời tiết Nam Phi cảnh báo mưa lớn đột ngột có thể tiếp tục gây lũ lụt và lở đất tại khu vực trên.

Ngày 10/7, Chính phủ New Zealand công bố chiến lược khí hậu mới, với 5 trụ cột chính, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng; thúc đẩy thị trường năng lượng sạch với giá phải chăng; khuyến khích đổi mới, sáng tạo và các giải pháp dựa vào thiên nhiên...

Theo nhandan.vn

  • Từ khóa