Thứ 7, 23/11/2024, 15:15[GMT+7]

Trước thềm Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc

Thứ 2, 23/09/2024 | 08:20:12
4,293 lượt xem
Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79 sẽ bắt đầu từ ngày 24/9.

Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Một số chủ đề quan trọng sẽ được nêu bật tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, biến đổi khí hậu và cải tổ Hội đồng Bảo an.

Nhóm họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), lãnh đạo, đại diện các quốc gia thành viên sẽ nêu bật quan điểm và tầm nhìn về những vấn đề nóng, tập trung tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu đan xen.

Trước thềm sự kiện, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu bật những bước đột phá được kỳ vọng từ Thỏa thuận vì Tương lai, trong đó có biện pháp quản lý công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tiến bộ về cải cách cấu trúc tài chính quốc tế, cam kết tăng nguồn lực hỗ trợ những nước đang phát triển đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Khi mới thành lập vào năm 1945 sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Liên hợp quốc ban đầu có 51 thành viên. Số lượng thành viên hiện đã tăng lên 193. Lãnh đạo 2 quốc gia quan sát viên thường trực phi thành viên ở Liên hợp quốc là Tòa Thánh và Palestine, quan sát viên thành viên EU đều được phát biểu tại diễn đàn này.

Theo truyền thống, Brazil thường là nước thành viên đầu tiên phát biểu. Điều này là bởi trong những năm đầu sau khi thành lập Liên hợp quốc, Brazil đã xung phong phát biểu đầu tiên sau khi các nước khác còn lưỡng lự.

Là quốc gia nơi đặt trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ sẽ là nước thứ 2 phát biểu. Danh sách tiếp theo sẽ dựa trên thứ bậc và thường là quốc gia nào đăng ký trước thì được phát biểu trước.

Năm nay, có 87 người đứng đầu nhà nước, 3 Phó Tổng thống, 2 Hoàng thân, 45 Thủ tướng, 8 Phó Thủ tướng, 45 Bộ trưởng và đại diện 4 phái đoàn dự kiến sẽ phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đại diện các nước thường được yêu cầu phát biểu trong khung thời gian tự nguyện 15 phút. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, một trong những bài phát biểu dài nhất trong phiên khai mạc của một Đại hội đồng Liên hợp quốc là của Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào năm 1960 trong vòng 4,5 tiếng đồng hồ. Năm 2009, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi nói trong vòng hơn 1,5 tiếng.

Theo vtv.vn

  • Từ khóa