Thứ 3, 08/04/2025, 14:39[GMT+7]

Phát hiện lăng mộ bí ẩn của vị vua Ai Cập cổ đại

Thứ 3, 08/04/2025 | 07:23:54
483 lượt xem
Các nhà khảo cổ học mới đây đã phát hiện một lăng mộ lớn tại Abydos, hé lộ triều đại còn ít được biết đến trong lịch sử cổ đại Ai Cập.

Một phòng chôn cất bằng đá vôi lớn đã được phát hiện bên trong một nghĩa trang hoàng gia ở Abydos, Ai Cập. Ngôi mộ thuộc về ai vẫn còn là một bí ẩn.

Một nhóm khảo cổ học quốc tế vừa phát hiện một lăng mộ cổ đại được cho là của một vị vua Ai Cập chưa rõ danh tính, có niên đại hơn 3.600 năm, thuộc thời kỳ Trung gian thứ Hai (1640–1540 TCN). Phát hiện được khám phá tại thành phố cổ Abydos, miền nam Ai Cập – được coi là nơi linh thiêng trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.

Theo công bố của Bảo tàng Penn (Đại học Pennsylvania, Mỹ), lăng mộ bằng đá vôi có quy mô lớn với nhiều gian phòng và lối vào được trang trí công phu. Tuy nhiên, danh tính chủ nhân lăng mộ vẫn là một bí ẩn, do các văn tự tượng hình ghi danh bị hư hại bởi những kẻ trộm mộ.

Lăng mộ không chứa hài cốt, song giới nghiên cứu nhận định nhiều khả năng đây là nơi an nghỉ của một vị vua thuộc vương triều Abydos – một triều đại nhỏ ít được ghi chép trong sử sách Ai Cập. Vị vua này có thể là một trong những người cai trị bị "lãng quên" khỏi các danh sách hoàng gia chính thức của thời kỳ này.

Giáo sư Josef Wegner, nhà Ai Cập học và là người dẫn đầu nhóm khai quật, cho biết: "Đây là một triều đại rất bí ẩn và gần như biến mất khỏi hồ sơ lịch sử, do nằm trong giai đoạn hỗn loạn và phân mảnh chính trị". Ông gọi phát hiện này là "cánh cửa mới mở ra để nghiên cứu về triều đại Abydos".

Lăng mộ được tìm thấy ở độ sâu gần 7 mét, trong khu nghĩa địa cổ Anubis ở Abydos – nơi được coi là thánh địa và là chốn an nghỉ của thần Osiris, vị thần cai quản cõi âm. Khu vực này từng là nơi yên nghỉ của các vị pharaoh đầu tiên của Ai Cập.

Trước đó hơn một thập kỷ, ông Wegner từng phát hiện ngôi mộ đầu tiên xác nhận sự tồn tại của vương triều Abydos – đó là mộ của vua Seneb-Kay, người chưa từng được ghi chép trong sử liệu. Trong số tám lăng mộ thuộc triều đại này được phát hiện cho đến nay, chỉ có Seneb-Kay là có tên rõ ràng.

Phát hiện lăng mộ bí ẩn của một vị vua Ai Cập cổ đại - Ảnh 1.

Ngôi mộ có tổng cộng ba phòng với phòng chôn cất chính rộng khoảng 1,9 mét, dài 6 mét. Các nhà nghiên cứu cho biết tên của vị vua vô danh này đã từng được vẽ trên lối vào phòng.

Lăng mộ mới được đánh giá là lớn nhất trong số các mộ đã phát hiện, với gian chính dài gần 20 mét, rộng hơn 6 mét. Các nhà nghiên cứu cho rằng vị vua này có thể là người tiền nhiệm của Seneb-Kay, như vua Senaiib hoặc vua Paentjeni – hai vị vua được đề cập rải rác trong các tài liệu khảo cổ còn sót lại.

Tuy chưa xác định được danh tính cụ thể, lăng mộ vẫn còn hai bức họa thần Isis và Nephthys – hai nữ thần thường xuất hiện trong các nghi thức tang lễ, tượng trưng cho sự tiếc thương người đã khuất.

Trong thời gian tới, nhóm khảo cổ dự kiến mở rộng khảo sát thêm khoảng 10.000 m² tại sa mạc ở khu vực này, sử dụng công nghệ radar xuyên đất và đo từ tính để phát hiện các cấu trúc chôn giấu bên dưới.

Giáo sư Salima Ikram, chuyên gia Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo, đánh giá cao phát hiện này: "Phát hiện thêm một vị vua của vương triều Abydos rất đáng chú ý, giúp mở rộng hiểu biết về kiến trúc hoàng gia và thành phần của triều đại từng bị lãng quên".

Giới chuyên môn nhận định rằng, dù không tìm thấy tên tuổi của vị vua từng nằm trong lăng mộ, phát hiện này vẫn có ý nghĩa lớn trong việc tái cấu trúc lại giai đoạn lịch sử mờ nhạt của Ai Cập cổ đại – nơi mà những vương triều "nhỏ" từng bị các pharaoh hậu kỳ loại khỏi biên niên sử.

Theo: vtv.vn

  • Từ khóa