Thứ 4, 28/05/2025, 11:42[GMT+7]

Hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine

Thứ 3, 27/05/2025 | 08:36:28
1,424 lượt xem
Thế trận của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang xoay vần liên tục. Trái ngược với tình hình chiến sự giằng co ác liệt, hàng loạt tín hiệu tích cực đã xuất hiện trên bàn đàm phán.

Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Dù vấp phải khó khăn do khác biệt quan điểm, những bước chuyển động ngoại giao mới đây được coi là điểm sáng hiếm hoi, tiếp thêm động lực cho nỗ lực tìm kiếm hoà bình.

Cuộc đàm phán trực tiếp Nga-Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như điện đàm cấp cao Nga-Mỹ giữa tháng 5 vừa qua đã mang lại kết quả tích cực. Cụ thể, Moskva và Kiev tiến hành ba cuộc trao đổi tù nhân lớn, hoàn tất việc thực hiện thỏa thuận trao đổi 1.000 tù nhân chiến tranh mà hai bên từng nhất trí. Thỏa thuận này đánh dấu cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi xung đột giữa hai bên bùng nổ vào năm 2022.

Phía Nga phát đi tín hiệu sẵn sàng tiến hành thêm các cuộc tiếp xúc với Ukraine và đề xuất thúc đẩy một bản ghi nhớ liên quan thỏa thuận hòa bình tiềm năng giữa hai nước. Về phần mình, giới chức Ukraine hy vọng, một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine và Nga có thể là bước tiếp theo sau cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nước tại Istanbul.

Có thể thấy rõ nỗ lực ngoại giao con thoi của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với tiến trình đàm phán hòa bình tại Ukraine. Từ ngày 16 đến 19/5, Mỹ đã tiến hành cuộc họp ba bên với Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine; có cuộc tiếp xúc với người đứng đầu phái đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky; đặc biệt là hai tổng thống Mỹ và Nga có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ đồng hồ.

Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, những nỗ lực chấm dứt xung đột ở Ukraine đang đi đúng hướng; đồng thời để ngỏ khả năng có lệnh ngừng bắn nếu đạt được những thỏa thuận phù hợp giữa Moskva và Kiev.

Dù kết thúc bằng hàng loạt tuyên bố tích cực, cuộc điện đàm cấp cao Nga-Mỹ lần này được cho là chưa đưa ra được một kết quả rõ ràng, và triển vọng về lệnh ngừng bắn giữa Nga với Ukraine vẫn còn mờ mịt do quan điểm khác biệt, lập trường cứng rắn của các bên liên quan.

Điểm nổi bật nhất của cuộc điện đàm là giúp cải thiện quan hệ, duy trì không gian đối thoại giữa Mỹ và Nga. Giới chuyên gia phỏng đoán về “nước cờ” tiếp theo của Washington trên “bàn cờ chiến lược” tại Ukraine. Theo đó, Mỹ đang muốn để bên khác dẫn dắt tiến trình hòa đàm Nga-Ukraine. Nhận định này có cơ sở bởi chính ông Trump ngỏ ý chuyển giao cho Vatican việc chủ trì các cuộc đàm phán. Sau một khoảng thời gian thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhưng chưa đem lại kết quả đột phá, dường như Washington đang có ý định thu hẹp vai trò trung gian.

Trên thực địa, xung đột Nga-Ukraine vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái diễn ra liên tục. Thực tế này phản ánh mức độ phức tạp của cuộc chiến tại Ukraine. Những khác biệt về điều kiện đàm phán giữa Nga và Ukraine cũng cản trở nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Moskva vẫn bác bỏ những yêu cầu của Kiev về lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày, muốn các điều khoản về ngừng bắn phải dựa trên nguyên tắc chặt chẽ, tiến hành theo lộ trình và cơ chế rõ ràng. Trong khi đó, Ukraine lại muốn ngừng bắn ngay lập tức để chứng minh Nga có thiện chí mong muốn hòa bình.

Về phía Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh Washington tỏ ra thận trọng hơn với các động thái can thiệp vào vấn đề toàn cầu không mang lại lợi ích cho nước Mỹ, mà nhiều khả năng sắp tới sẽ là cuộc xung đột ở Ukraine, EU đang gấp rút tìm cách duy trì viện trợ vũ khí cho Ukraine. Chủ tịch Ủy ban quân sự EU Robert Brieger thông báo, EU đang lên kế hoạch tăng gấp đôi lượng đạn pháo hạng nặng viện trợ cho Ukraine trong năm 2025, cũng như khuyến khích các quốc gia thành viên tăng sản xuất đạn dược để đạt được mục tiêu trên.

Với một số tín hiệu tích cực trên bàn đàm phán, cộng đồng quốc tế có thể thấy le lói “ánh sáng cuối đường hầm” cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy vậy, để có thể định hình một thỏa thuận hòa bình lâu dài, đáng tin cậy giữa Kiev và Moskva, cần nhiều thiện chí, nhượng bộ hơn nữa từ các bên liên quan, khi các quan điểm cứng rắn và toan tính lợi ích riêng vẫn đang cản trở tiến trình đàm phán.

Theo: nhandan.vn

  • Từ khóa