Thứ 6, 22/11/2024, 06:13[GMT+7]

Quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu

Thứ 5, 28/10/2010 | 08:33:18
1,027 lượt xem
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng Thư ký LHQ năm 2007.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới cơ bản ổn định, các nước tăng cường hợp tác trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế, nền kinh tế thế giới có những bước phục hồi quan trọng; các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai ... tiếp tục nhận được sự quan tâm giải quyết của cộng đồng quốc tế.

Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên LHQ để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước

Không Liên kết và đang phát triển để đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực...đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Trong suốt những năm qua, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

LHQ trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại. Vị thế và vai trò của Việt Nam tại LHQ ngày càng được nâng cao. Hướng ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức LHQ được thể hiện bằng việc đạt được 3 mục tiêu chính nêu trong UNDAF là: xây dựng các chính sách kinh tế hỗ trợ quá trình tăng trưởng mang tính công bằng, hoà nhập và bền vững; nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội và tính công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ này; các chính sách, luật pháp và cơ cấu quản trị quốc gia hỗ trợ một cách có hiệu quả cho sự phát triển dựa trên quyền để thực hiện các giá trị và mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ. Liên hợp quốc đánh giá cao hoạt động ngày càng tích cực của Việt Nam tại LHQ.

Theo Báo điện tử ĐCSVN

 

  • Từ khóa