Chủ nhật, 25/05/2025, 16:15[GMT+7]

WHO kêu gọi ngăn chặn bùng phát dịch sởi tại châu Âu

Thứ 3, 03/03/2015 | 15:51:08
781 lượt xem
Trước tình hình dịch sởi đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, dịch sởi có nguy cơ bùng phát lan rộng nếu không quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

WHO hối thúc Châu Âu tăng cường tiêm phòng khi dịch sởi đang bùng phát trở lại.

 

Báo cáo tại 7 quốc gia châu Âu trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 cho thấy, đã có hơn 22.000 trường hợp mắc sởi được ghi nhận. Điều này đe dọa mục tiêu của châu Âu là loại trừ bệnh sởi vào cuối năm 2015. Virus sởi được xác định đều thuộc phân tuýp virus D8 là tuýp virus sởi lưu hành phổ biến hiện nay.

 

Tại cuộc họp trong tuần qua, Văn phòng WHO khu vực châu Âu đã nhóm họp và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, cán bộ y tế, các bậc phụ huynh lập tức thực hiện tiêm chủng vắc-xin sởi cho con em ở nhóm tuổi có nguy cơ cao, nhằm ngăn chặn dịch sởi đang xảy ra tại một số quốc gia, đồng thời phòng ngừa dịch bệnh sởi trong tương lai.

 

Tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, Giám đốc WHO khu vực châu Âu cho hay: "Không thể chấp nhận là sau 50 năm, với những nỗ lực tiêm chủng vắc-xin sởi an toàn và hiệu quả, dịch bệnh sởi vẫn tiếp tục gây tổn thất về người, tiền bạc và thời gian". Vị giám đốc này đánh giá: "Trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã giảm được 96% các trường hợp mắc sởi ở khu vực châu Âu và dường như sắp loại trừ được bệnh này. Tuy nhiên, báo cáo số liệu dịch bệnh sởi gần đây cho thấy chúng ta cần có những biện pháp ứng phó tổng thể, không chậm trễ, nhằm thu hẹp khoảng cách về miễn dịch với dịch bệnh này".

 

Dịch sởi tiếp tục xảy ra tại châu Âu do nhiều người không có miễn dịch hoặc miễn dịch kém với virus sởi, đặc biệt là gia tăng số lượng cha mẹ từ chối tiêm chủng vắc-xin cho trẻ hoặc gặp phải rào cản trong việc tiếp cận vắc-xin. Bên cạnh đó, du lịch cũng có thể là một nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ phơi nhiễm với virus sởi và sự dễ dàng lan truyền của virus trong cộng đồng, đặc biệt là những người không được tiêm vắc-xin”.

 

Tiến sĩ Nedret Emiroglu, Phó Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm, an ninh y tế và môi trường tại Văn phòng WHO khu vực châu Âu cho biết: "Ưu tiên hiện nay là kiểm soát dịch sởi hiện tại ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bằng việc thực hiện tiêm chủng hướng tới những người có nguy cơ. Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia, cần phải duy trì phạm vi bao phủ tiêm chủng vắc-xin sởi định kỳ ở mức rất cao, có như vậy, dịch sởi sẽ không xảy ra một lần nữa trong khu vực và có thể được loại trừ ngay và ở tất cả các quốc gia".

 

Theo qdnd.vn

  • Từ khóa