Chủ nhật, 04/08/2024, 21:23[GMT+7]

Các nước Tiểu vùng sông Mê Công tăng cường phòng chống buôn bán người

Thứ 5, 30/04/2015 | 22:22:46
666 lượt xem
Ngày 30/4, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê Công lần thứ 4 (IMM4) về phòng chống buôn bán người (gọi tắt là Tiến trình COMMIT) đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực giai đoạn 2015-2018 và Tuyên bố chung lần thứ hai, tái khẳng định quyết tâm hợp tác chống nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Quang cảnh hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có đại biểu các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái-lan và Trung Quốc, cùng đại diện cơ quan phòng chống buôn bán người Liên hợp quốc, nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, các nhà tài trợ.

 

Đoàn Việt Nam dự hội nghị gồm đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an làm Trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng khẳng định, hành vi buôn người là vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người và gây ra nỗi đau lớn cho các nạn nhân và gia đình của họ.

 

Ông Sar Kheng nhấn mạnh, để ngăn chặn tiến đến xóa bỏ tình trạng lạm dụng và buôn người, các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Công trên cơ sở đoàn kết, nâng cao hiệu năng của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong công tác phòng, chống tệ nạn buôn bán người.

 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giữ vững quan điểm thực hiện Tiến trình COMMIT song song với thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020. Lấy phòng ngừa là cơ bản, lồng ghép phòng, chống mua bán người với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho nhân dân, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức và hành động cho người dân.

 

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tiến tới loại bỏ tội phạm này, các tổ chức của Liên hợp quốc, nhất là Chương trình phát triển của Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ban Giám đốc, Ban Thư ký Tiến trình COMMIT cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò điều phối, kết nối và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các nước COMMIT và các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người. Các nước thành viên COMMIT cần tăng cường cơ chế hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin về phòng, chống mua bán người, bảo đảm mọi thông tin được xử lý nhanh chóng, chính xác, kịp thời; tăng cường hợp tác tư pháp hình sự, bảo vệ, hồi hương nạn nhân; ưu tiên kinh phí và huy động các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia, hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người.

 

Tại Việt Nam, 10 năm qua, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 3.200 vụ buôn bán người, bắt hơn 5.200 đối tượng, xét xử hơn 2.000 vụ với 3.500 bị cáo về tội mua bán người; tiếp nhận gần 7.500 nạn nhân bị mua bán, trong đó bảo đảm tất cả các nạn nhân được nhận hỗ trợ ban đầu và 80% nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi.

 

Tại IMM4, lãnh đạo cơ quan phòng chống buôn bán người sáu nước Tiểu vùng sông Mê Công đã nhất trí thông qua Kế hoạch hành động khu vực giai đoạn 2015-2018, với những kế hoạch và biện pháp hợp tác đa phương giữa các quốc gia trong khu vực về phòng, chống buôn bán người và các chương trình các biện pháp hỗ trợ, các mô hình xã hội hiệu quả bảo vệ các đối tượng dễ trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại, buôn bán người.

 

IMM4 thảo luận và nhất trí thông qua các ý tưởng mới trong việc xây dựng quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và phương tiện truyền thông trong cuộc chiến phòng chống nạn buôn người.

 

Tuyên bố chung IMM4 khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm nâng cao mục tiêu xóa bỏ tình trạng con người bị đem ra trao đổi, mua bán, sang nhượng, bị bắt cóc, cưỡng ép kết hôn và bóc lột, bị tước đi những quyền con người cơ bản nhất và những quyền tự nhiên nhất.

Lãnh đạo các cơ quan chuyên trách phòng chống buôn bán người các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Công cùng tuyên bố tiếp tục nâng cao tinh thần COMMIT trong việc đồng tâm, đoàn kết, và tiếp tục thực hiện cơ chế hợp tác khu vực mang tính cốt yếu nhằm giảm thiểu hoặc chấm dứt nạn buôn bán người, bao gồm tình trạng lạm dụng và bóc lột dưới mọi hình thức những đối tượng có nguy cơ và dễ bị tổn thương; cam kết mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống tình trạng nô lệ dưới mọi hình thức; đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên của tiến trình COMMIT, cũng như với các khu vực và diễn đàn khác nhằm phòng chống nạn buôn bán người hiệu quả hơn trên toàn cầu; tăng cường hoạt động xác định và bảo vệ nạn nhân và người có nguy cơ bị buôn bán trên tinh thần bảo đảm sự tôn trọng nạn nhân, bảo vệ sự an toàn, nhân phẩm và quyền con người; tiếp tục thực hiện tham vấn và hợp tác song phương và đa phương giữa các nước trong tiểu vùng (trong cả lĩnh vực chung và cụ thể) cũng như với các tổ chức khác trong khu vực và ở cấp quốc tế…

 

Tuyên bố chung IMM4 kêu gọi các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, khối tư nhân, tất cả phụ nữ; nam giới, và trẻ em; các tổ chức phi chính phủ, và tất cả các khu vực khác trong xã hội dân sự trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ, hợp tác với Chính phủ các nước, cam kết và đóng góp hết sức cho Tiến trình COMMIT.

 

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính có khoảng 20,9 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức hoặc bóc lột tình dục trên toàn thế giới, trong số đó có khoảng 11,4 triệu là phụ nữ, trẻ em gái và khoảng 5,5 triệu người là nạn nhân của nạn buôn người. Các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Công được ghi nhận là một trong những khu vực mà tội phạm buôn bán người hoạt động mạnh. Các nạn nhân của tệ nạn này bị bóc lột tình dục, cưỡng ép hôn nhân, cưỡng bức lao động trong các nhà máy, công trường xây dựng, đánh cá, ăn xin…

 

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa