Thứ 3, 23/07/2024, 15:13[GMT+7]

Tổng tuyển cử trước thời hạn tại Thái Lan: Lựa chọn khó khăn

Thứ 2, 21/02/2011 | 08:34:46
1,371 lượt xem
Tuy chưa thể tăng tốc nền kinh tế cũng như bảo đảm an ninh trong nước như mong muốn, nhưng cuối tuần qua, Chính phủ Thái Lan vẫn tuyên bố tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn trong 6 tháng đầu năm nay.

Những người “áo đỏ” lại xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangkok.

Cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới được Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban khẳng định ngay sau khi ngân sách giữa năm và các sửa đổi Hiến pháp được thông qua và đây là "nước cờ mạo hiểm" của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ cuộc chiến "sắc màu" hiện nay.

Không phải lần đầu tiên một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn được Chính phủ Thái Lan đề cập đến, để góp phần giải quyết bế tắc dẫn đến những cuộc biểu tình đường phố của lực lượng "áo đỏ", tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Abhisit đã đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, ngay sau đó kế hoạch này đã bị hoãn vì những người biểu tình từ chối giải tán khiến quân đội phải can thiệp. Mới đây nhất (ngày 9-2), Thủ tướng Abhisit một lần nữa tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước tháng 4 tới nếu Chính phủ giải quyết được ba vấn đề quan trọng. Đó là củng cố sức mạnh kinh tế, sửa đổi Hiến pháp và ổn định tình hình để bầu cử diễn ra hòa bình. Và đây là lần thứ ba Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tổng tuyển cử trước thời hạn trong thời gian trước tháng 6 tới.

Được bầu làm Thủ tướng Thái Lan từ tháng 12-2008, qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội với nhiều hậu thuẫn từ các bên, cuộc bầu cử tới đây là "trắc nghiệm" lớn với uy tín của Thủ tướng Abhisit. Nếu giành thắng lợi trong cuộc đua, đó sẽ là chiến thắng đầu tiên trong hai thập kỷ qua với đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit - người lên nắm quyền sau khi chính quyền cũ của Thủ tướng Somchai Wongsawat giải tán. Để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tới đây, đảng Dân chủ cầm quyền đã đưa ra một loạt chính sách. Trong đó đáng chú ý là gói giải pháp 9 điểm được ông Abhisit công bố từ đầu năm nhằm đẩy mạnh an sinh xã hội. Song dường như tất cả đều chưa đủ để giúp Thủ tướng Abhisit "chinh phục được trái tim và khối óc" của tầng lớp dân nghèo khi mâu thuẫn trong lòng xã hội Thái Lan vẫn ngày một tăng.

Thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử chưa được ấn định, nhưng đã có khá nhiều kịch bản được giới phân tích đưa ra. Không ít ý kiến cho rằng, đảng Puea Thái - đảng đối lập chính ở Thái Lan khó có thể đánh bại đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc đua quyền lực này khi Chính phủ của Thủ tướng Abhisit vẫn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ phía quân đội. Rất có thể một chính phủ liên minh sẽ được thành lập trong trường hợp đảng Dân chủ cầm quyền không giành được đa số ghế trong Quốc hội khóa mới. Nếu kịch bản này diễn ra, Thủ tướng Abhisit sẽ vẫn nắm quyền điều hành đất nước khi trở thành người đứng đầu Chính phủ liên hiệp.

Năm 2010 vừa qua, dù đã trụ vững sau cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong vài thập niên qua ở xứ chùa Vàng, 2011 sẽ là năm đầy thử thách với Thủ tướng Abhisit khi phải đối mặt với cuộc bầu cử trước thời hạn. Một Chính phủ mới được thành lập sẽ là cơ hội giúp người Thái lấy lại hình ảnh một đất nước thân thiện, ổn định và tăng trưởng kinh tế. Song, trong bối cảnh các đảng đối lập cũng như lực lượng "áo đỏ", "áo vàng" không ngừng gia tăng sức ép như hiện nay, một cuộc bầu cử trước thời hạn thật sự là một lựa chọn khó khăn của Thủ tướng Abhisit.

Cuộc tuần hành đường phố cuối tuần qua của khoảng 30 nghìn người "áo đỏ" do Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) phát động vào ngày 19 hằng tháng để phản đối Chính phủ giam giữ 7 thủ lĩnh của UDD chỉ là một trong những khó khăn đó. Dù các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, nhưng nó vẫn như một lời nhắc nhở rằng cuộc chiến quyền lực tiếp tục là thách thức lớn tại Thái Lan.

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa