Thứ 6, 22/11/2024, 00:10[GMT+7]

Biên giới Libya: Hoảng loạn và tuyệt vọng

Thứ 5, 03/03/2011 | 07:22:44
1,422 lượt xem
Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết trong vòng mười ngày qua, hơn 140.000 người đã ồ ạt từ Libya di tản sang Ai Cập và Tunisia. Tình trạng bạo lực và hỗn loạn đang gia tăng ở khu vực biên giới. Hàng chục ngàn người cần giúp đỡ khẩn cấp.

Người nhập cư Bangladesh leo lên một bờ tường gần cổng biên giới Libya - Tusinia để thoát khỏi Libya - Ảnh: Reuters

Trên biên giới Ai Cập - Libya

Khu vực cấm giữa các đồn kiểm soát biên giới Libya - Ai Cập chìm trong biển người chen chúc, xô đẩy, tranh nhau chạy khỏi Libya để vào Ai Cập. Do cuộc biến động diễn ra quá nhanh ở Libya, lực lượng hỗ trợ quốc tế đã không kịp chuẩn bị và đáp ứng nhu cầu sơ tán khỏi Libya của hơn 10.000 lao động, phần lớn không có thị thực quá cảnh và chẳng có tiền mua vé máy bay hồi hương. 69.000 người đã vượt biên giới Libya tràn sang Ai Cập trong mười ngày qua, chủ yếu là người Ai Cập. Khoảng 60.000 người Ai Cập trong số 78.000 người di tản đã nhanh chóng lên các chuyến xe do quân đội tăng cường và được đưa trở về nhà.

Gần 3.000 người nằm ngủ vật vờ tại khu vực biên giới Ai Cập hôm 1-3. Báo New York Times mô tả hơn 700 lao động người Bangladesh đã nằm ngồi la liệt khu vực nhập cảnh và xuất cảnh ở Ai Cập cả một tuần. Sàn nhà đầy thùng cactông, mền, gói bánh và hành lý. Công nhân đến từ Thái Lan, Philippines, tiểu vùng Sahara ở châu Phi co ro trong những cái mền quấn chặt quanh người để cố giữ ấm và ngủ co quắp giữa đống đồ đạc trong thời tiết giá lạnh.

174 lao động Bangladesh đã được máy bay của Liên Hiệp Quốc đưa về Dhaka, thủ đô Bangladesh. Tuy nhiên, nhà ga sân bay vẫn nêm chật người. Thức ăn vô cùng khan hiếm, điều kiện vệ sinh nghèo nàn và nhiều người nữa vẫn tiếp tục đổ về.

“Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra” - Jahidul Islam, 24 tuổi, làm việc tại một nhà máy điện của Hyundai gần Benghazi, Libya và kiếm được khoảng 3.000 USD/năm, nói. Anh đã chạy khỏi Libya sau khi trại của mình bị một nhóm vũ trang tấn công. Anh cho biết anh và những người khác đều bị đói.

Một điều phối viên khẩn cấp của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đang liên lạc để thu xếp thị thực cho các lao động Bangladesh suốt ba ngày đêm. Tờ khai thị thực nhập cảnh viết tay đang chồng chất lên nhau chờ được cơ quan lãnh sự Ai Cập cho phép. Chính phủ Ai Cập chỉ giải quyết nhập cảnh trong trường hợp người di tản có sẵn vé máy bay. IOM đã trở thành một văn phòng vé máy bay bất đắc dĩ khi liên tục tìm kiếm chỗ trống trên các chuyến bay đi Guinea và Mali từ Ai Cập.

Trên biên giới Tunisia - Libya

Hàng ngàn lao động Việt Nam, Ai Cập, Tunisia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh mắc kẹt tại biên giới giữa Libya và Tunisia ở Ras Adjir đang “khẩn thiết cần thực phẩm, nước sạch và chỗ ở”, người phát ngôn Jemini Pandya của IOM cho biết.

Khu vực biên giới giữa Tunisia và Libya rất hỗn loạn với khoảng 75.000 người chạy loạn trong mười ngày qua đổ về, vượt quá khả năng tiếp nhận và giải quyết của đất nước này. Firos Kaya, đại diện UNHCR, mô tả đây là “vấn đề nhân đạo khẩn cấp”.

Tình hình đã đến mức khủng hoảng và hỗn loạn đã diễn ra. Lực lượng bảo vệ biên giới đã phải bắn chỉ thiên nhiều lần liên tục khi đám đông người tị nạn tìm cách trèo qua tường. Họ đã bị lực lượng bảo vệ biên giới dùng gậy đánh túi bụi để ngăn cản.

1.500 căn lều có sức chứa 12.000 người đã được dựng lên. Những ngày tiếp theo sẽ có thêm hai máy bay tiếp tế lều và các vật phẩm khác cho khoảng 10.000 người.

Người phát ngôn UNHCR, bà Melissa Fleming, nói: “Hàng ngàn người chờ đợi ở phía biên giới Libya để được vào Tunisia. Nhiều người trong số họ đã chờ từ ba ngày nay. Họ phải ngủ ngoài trời trong cái lạnh thấu xương của mùa đông”. UNHCR đang đặc biệt lo ngại về tình trạng của hàng ngàn người tị nạn thường và tị nạn chính trị bị kẹt bên trong Libya. Họ chủ yếu đến từ Iraq, Palestine, Somalia, Sudan, Eritrea và đã sống tại Libya trong thời gian dài. Giờ đây họ tha thiết muốn rời khỏi Libya.

Một trong số họ đã nhắn tin cho nhân viên UNHCR tại Libya mô tả tình trạng sợ hãi mà ông ta và gia đình đang phải trả qua: “Chúng tôi bị người dân địa phương tấn công. Họ không muốn thấy người da đen. Chúng tôi cần được giúp đỡ. Xin cứu giúp chúng tôi... Nhà chúng tôi bị đốt cháy. Mười người Somalia bị giết tại Libya trong bảy ngày qua. Tại sao không ai quan tâm đến người di dân Somalia tại Libya? Chúng tôi là nạn nhân của kỳ thị và bị bóc lột tàn tệ”.

Theo bà Fleming, những người tị nạn và di dân từ tiểu vùng Sahara - châu Phi đặc biệt dễ bị ngược đãi. Người lao động bỏ đi vì các công ty ở Libya đã đóng cửa, khiến họ bị kẹt. Một số chạy trốn trong sợ hãi. Một số bị đe dọa và đánh đập vì phe nổi dậy ở Libya tưởng họ là lính đánh thuê châu Phi.

Theo Tuổi Trẻ

  • Từ khóa