Thứ 7, 23/11/2024, 19:09[GMT+7]

Gần 9.000 lao động Việt Nam tại Libya về nước an toàn

Thứ 5, 10/03/2011 | 10:30:36
1,177 lượt xem
7 giờ 45 phút sáng hôm qua, ngày 9-3, chuyến bay thứ chín của Vietnam Airlines chở hơn 200 người lao động Việt Nam tại Libya đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Cùng với một số chuyến bay khác trở về trong ngày 9-3, tổng số người lao động Việt Nam trở về nước an toàn lên khoảng 9.000 người. Hiện nay, ngoài hơn 1.079 lao động Việt Nam đang trên đường trở về nước bằng đường biển, còn 292 người đang ở Algeriavà 67 người đang ở Ai cập sẽ được đưa về nước trong những ngày tới.

Lao động Việt Nam xuống sân bay Nội Bài (Ảnh: Trịnh Sơn).

*Việt Nam là quốc gia đầu tiêu có lao động tại Libya đã hoàn thành tốt đẹp việc đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm

* Khi cần, VietnamAirlines triển khai ngay chuyến bay thứ 10 để đón những lao động cuối cùng.

* Tập đoàn Khang Thông sẵn sàng tiếp nhận hơn 10 nghìn lao động về vào làm việc tại dự án Happyland. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng muốn tiếp nhận các lao động trở về

Ngay sau khi chuyến bay thứ chín của VietnamAirlines hạ cánh, Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya đã tổ chức họp báo thông báo nhanh tình hình đưa người lao động Việt Nam tại Libya về nước. Các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Đoàn Xuân Hưng, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực có lao động tại Libya đã hoàn thành công tác sơ tán toàn bộ người lao động có hợp đồng chính thức của mình ra khỏi đất nước này. Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đánh giá Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tích cực, chủ động, khẩn trương đưa công dân của mình rời Libya về nước và đã triển khai công việc này an toàn, hiệu quả cao.

Về vấn đề hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ Libya, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, tập đoàn Khang Thông, doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án Happyland tại tỉnh Long An, đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được tiếp nhận toàn bộ hơn 10.400 người lao động Việt Nam vừa trở về từ Libya vào làm việc tại dự án. Mức lương do Tập đoàn này đưa ra là ba triệu đồng/người/tháng đối với lao động phổ thông; người có tay nghề được hưởng lương từ ba triệu đồng đến sáu triệu đồng/người/tháng (kể cả tiền ăn), chỗ ở miễn phí. Các khoản vay ngân hàng của các lao động này trước đây phục vụ cho việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ được Tập đoàn Khang Thông đứng ra bảo lãnh. Thời gian tiếp nhận lao động bắt đầu từ ngày 1-5.

Người lao động nào có nhu cầu tiếp tục đi làm việc tại nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn, thông tin những vẫn đề cụ thể. Các vấn đề về thủ tục thanh lý hợp đồng sẽ được các cơ quan chức năng giải quyết trên nguyên tắc giảm bớt thiệt thòi cho người lao động, nhất là đối với những người nghèo, phải vay tiền ngân hàng để đi XKLĐ, người mới sang, chưa có thu nhập đã phải trở về nước. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp XKLĐ sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp và có biện pháp giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Đoàn Xuân Hưng cho biết, toàn bộ lao động Việt Nam đã được đưa rời khỏi Libya và trở về nước an toàn, không có ai bị thương tích do việc di chuyển. Trong quá trình triển khai việc đưa người lao động trở về, các cơ quan chức năng luôn nhận được sự động viên, quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các tổ chức quốc tế, nhất là IOM và UNHCR vừa hỗ trợ các chuyến bay đưa người lao động trở về, vừa cung cấp lương thực cho công dân Việt Nam trong những ngày di chuyển khỏi Libya.

Đối với 292 lao động Việt Nam đang ở tại Algeria, Tổ chức IOM đã hứa sẽ nhanh chóng hỗ trợ đưa trở về Việt Nam trong một vài ngày tới. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa người lao động Việt Nam trở về nhanh chóng, an toàn là tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của người lao động trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ và bất ổn. Bên cạnh đó, cần phải kể đến sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan, nhân dân những quốc gia láng giềng với Libya, nhất là Tuy-ni-di.

Đáng chú ý, trong quá trình đưa người lao động Việt Nam về nước, các cư quan chức năng của Việt Nam đã ưu tiên đưa 19 sinh viên người Cam-pu-chia rời khỏi Libya an toàn. Số lượng lương thực do Việt Nam chuyển sang cho người lao động cũng đã được Việt Nam trợ giúp, chia sẻ với những người lao động của các quốc gia khác khi họ đang chờ đợi rời khỏi Libya trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.

Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các đại sứ quán, nhất là Đại sứ quán Việt Nam tại Libya theo sát tình hình, rà soát, kiểm tra và nếu phát hiện còn công dân Việt Nam tại đây thì kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ họ trở về.

* Tính đến ngày 9-3, Vietnam Airlines đã thực hiện chín chuyến bay và đưa khoảng 3.200 người lao động Việt Nam về nước an toàn. Hàng trăm phi công, tiếp viên, cán bộ kỹ thuật, nhân viên giàu kinh nghiệm đã tăng thời gian làm việc để phục vụ cho các chuyến bay này.

Đáng chú ý, do phải thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam trở về từ Libya, nhiều chuyến bay thương mại trong và ngoài nước của VietnamAirlines đã phải thay đổi giờ hành trình. Tuy vậy, khi được giải thích nguyên nhân, tất cả các khách hàng trong nước và quốc tế đều thông cảm và ủng hộ.

* Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya đã họp tại Trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB và XH), nhằm tổng kết những công việc đã làm được trong những ngày qua và tiếp tục triển khai các công việc trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư T.Ư Đảng, Bộ trưởng LĐ, TB và XH, chủ trì.

Tại cuộc họp này, đại diện các cơ quan chức năng cho biết, đến ngày 9-3, 10.193 người lao động Việt Nam đã được sơ tán an toàn ra khỏi Libya. Đối với 292 người lao động Việt Nam đang còn ở tại biên giới Algeria, theo đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại đây gửi về vào chiều 9-3, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục liên lạc với IOM để tổ chức này hỗ trợ đưa số lao động Việt Nam về thủ đô Algers (Algeria) và khi cần, VietnamAirlines tiếp tục triển khai ngay chuyến bay thứ 10, đưa toàn bộ số lao động này về nước trong thời gian sớm nhất.

Các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp XKLĐ cần chuẩn bị tốt việc đón tiếp, chăm sóc, hỗ trợ hơn 1.000 người lao động đang trở về bằng đường biển, dự kiến cập cảng Hải Phòng trong ngày 21-3.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục nắm tình hình ở một số quốc gia châu Phi để từ đó kịp thời báo cáo và xử lý những vấn đề đột xuất ảnh hưởng đến những người lao động Việt Nam đang làm việc tại đây.

Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya đã hoan nghênh và cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin kịp thời, chính xác những hoạt động đưa người lao động Việt Nam từ Libya trở về, góp phần quan trọng giúp các gia đình có người thân đang đi lao động yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của các cơ quan liên quan trong việc quan tâm, hỗ trợ người lao động vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

* Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Tổng Công ty Viglacera đang có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, lao động xây dựng và lao động kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật xây dựng (khoảng 1.000 lao động trong năm 2011) vào làm việc tại các công ty thành viên của Tổng công ty. Hiện nay, Công ty này đang phối hợp các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Libya thông báo tin tuyển dụng này tới những lao động trở về từ Libya. Lao động nào có nhu cầu có thể liên hệ với Viglacera để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần công nghiệp xây dựng Toàn Phát (Topaco) có trụ sở tại Hà Nội đã có văn bản gửi Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận bộ phận kỹ sư, công nhân kỹ thuật trở về từ Libya. Nhu cầu tuyển dụng của công ty này là khoảng 40 kỹ sư, đội trưởng, chỉ huy trưởng công trình, với mức thu nhập từ 350 đến 1.000 USD mỗi tháng và 350 thợ xây dựng, thợ hàn, mức lương mỗi tháng 200-250 USD.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa