Chủ nhật, 22/12/2024, 12:13[GMT+7]

Chính phủ Li-bi muốn chấm dứt xung đột

Thứ 3, 05/04/2011 | 07:53:46
1,664 lượt xem
Theo Reuter, ngày 4-4, phái viên của Chính phủ Li-bi, Thứ trưởng Ngoại giao A.Ô-bây-đi đã tới Hy Lạp, bắt đầu chuyến thăm châu Âu nhằm thảo luận việc chấm dứt xung đột ở Li-bi.

Một bé gái 10 tuổi bị thương khi nhà bị trúng đạn trong các cuộc giao tranh tại TP Brê-ga.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp G.Pa-pan-đrê-u, ông Ô-bây-đi tuyên bố, Chính phủ Li-bi muốn chấm dứt giao tranh. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Ð.Ðru-xát nhận định, Chính phủ Li-bi đang tìm kiếm sự ủng hộ cho một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị. Theo kế hoạch, sau Hy Lạp, ông Ô-bây-đi sẽ đến Man-ta và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng ngày, phát biểu ý kiến trên truyền hình, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng về hưu Giêm Giôn thừa nhận, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch quân sự tại Li-bi là lật đổ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi. Lầu năm góc cho biết, theo đề nghị của NATO, Mỹ đã nhất trí tham gia không kích vào Li-bi đến hết ngày 4-4. Quân đội Mỹ đã lên kế hoạch bắt đầu rút các máy bay chiến đấu và tên lửa Tô-ma-hốc vào cuối tuần này trong bối cảnh NATO đảm trách quyền chỉ huy chiến dịch tại Li-bi. Người đứng đầu không lực Hoàng gia Anh (RAF) X.Ðan-tơn cho biết, RAF có kế hoạch tiếp tục hoạt động quân sự tại Li-bi trong ít nhất sáu tháng. Kể từ khi bắt đầu đảm nhận quyền chỉ huy chiến dịch Li-bi vào ngày 31-3, NATO đã tiến hành ít nhất 547 lần xuất kích, trong đó hơn 200 lần tiến công; điều động 21 tàu chiến tuần tra vùng Ðịa Trung Hải.

Giao tranh giữa quân đội Chính phủ và lực lượng đối lập ở Li-bi tiếp diễn dữ dội. Sáng 3-4, lực lượng đối lập đã lui về thành phố dầu mỏ Brê-ga sau khi bị quân Chính phủ phục kích. Một thủ lĩnh của lực lượng đối lập cho biết, họ đang tổ chức lại hàng ngũ và đã thành lập lữ đoàn đầu tiên, gồm các cựu quân nhân chính phủ. Quân đội Chính phủ tiếp tục bao vây thành phố lớn thứ ba Mi-xra-ta. Trong khi đó, Anh tuyên bố đã cử một nhóm nhà ngoại giao do Ðại sứ Anh tại Rô-ma (I-ta-li-a) C.Pren-tin dẫn đầu tới Li-bi để tiếp xúc các thủ lĩnh của lực lượng đối lập ở thành phố Ben-ga-di. Trước đó, một đại sứ Pháp và một đặc phái viên của Mỹ cũng được thông báo là đã có mặt tại thành phố này.

Ngày 4-4, I-ta-li-a tuyên bố chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp của lực lượng đối lập tại Li-bi. Phát biểu ý kiến sau cuộc gặp tại Rô-ma cùng ngày với ông A.Ét-xa-uy, thành viên phụ trách ngoại giao thuộc Hội đồng nói trên, Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a P.Phrát-ti-ni cho biết, việc đất nước Li-bi bị chia cắt là không thể chấp nhận được và Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp của phe đối lập là đại diện lâm thời hợp pháp hiện nay ở Li-bi. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cũng đang tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ở Li-bi và hy vọng sẽ tổ chức các cuộc thảo luận với phái viên của Tổng thống Ca-đa-phi và đại diện phe đối lập ở Li-bi.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa