Thứ 3, 23/07/2024, 13:26[GMT+7]

Tình hình Cốt Ði-voa tiếp tục rối ren

Thứ 5, 07/04/2011 | 07:21:18
1,911 lượt xem
Ðược sự hỗ trợ máy bay lên thẳng vũ trang của Phái bộ LHQ tại Cốt Ði-voa và Pháp, lực lượng ủng hộ ông A.Oa-ta-ra, người được quốc tế công nhận là Tổng thống, đã huy động tổng lực cho "đòn quyết định" nhằm loại bỏ Tổng thống mãn nhiệm Gơ-ba-gbô nhằm giành quyền kiểm soát hoàn toàn Cốt Ði-voa.

Một xe tăng bị cháy trong cuộc xung đột ở TP A-bi-giăng, Cốt Đi-voa. Ảnh roi-tơ

Trước "sức mạnh tổng hợp" trên, Tổng thống mãn nhiệm L.Gơ-ba-gbô phải chấm dứt giao tranh và đồng ý thương lượng chuyển giao quyền lực. chia rẽ, hận thù và hậu quả của các cuộc xung đột khiến Cốt Ði-voa phải đối mặt khó khăn chồng chất.

Nằm ở khu vực Tây Phi, Cốt Ði-voa là nước xuất khẩu ca-cao lớn nhất thế giới. Ngành công nghiệp này đã giúp mức sống của người dân Cốt Ði-voa cao hơn các nước láng giềng và khiến nước này trở thành thị trường 'hấp dẫn' đối với người lao động nhiều nước.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Cốt Ði-voa bị chia rẽ sâu sắc về sắc tộc, tôn giáo và từng trải qua cuộc nội chiến năm 2002-2003, đẩy đất nước Tây Phi này có những giai đoạn rơi vào khủng hoảng. Kể từ sau khi kết thúc nội chiến, LHQ và Pháp triển khai khoảng 12 nghìn binh sĩ tại nước này để giám sát ngừng bắn giữa các bên.

Các cuộc xung đột mới tái bùng nổ và Cốt Ði-voa lại chìm vào cuộc nội chiến đẫm máu kể từ sau cuộc bầu cử ngày 28-11-2010 khi Tổng thống mãn nhiệm L.Gơ-ba-gbô không công nhận 'thất bại' và không chịu chuyển giao quyền lực cho ông Oa-ta-ra, người được quốc tế công nhận thắng cử. Các nỗ lực trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi (AU) thất bại và xung đột giữa hai phe phái diễn ra triền miên trong suốt bốn tháng qua làm khoảng 1.500 người chết, một triệu người bỏ nhà đi lánh nạn, đất nước Cốt Ði-voa rơi vào khủng hoảng trầm trọng và nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ.

Kinh hoàng hơn nữa là đã phát hiện vụ thảm sát làm 800 người chết ở TP Ðuy-cu-ê, miền tây nước này cuối tháng 3 vừa qua và tiếp đó, ngày 4-4, người ta lại tìm thấy một hố chôn tập thể khoảng 200 người ở nước này. Hai lực lượng đối lập ở Cốt Ði-voa đổ lỗi cho nhau về vụ 'thảm sát' nói trên. Tuy nhiên, theo Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC), LHQ và một số tổ chức khác, vụ sát hại hàng loạt xảy ra trong một chiến dịch của các lực lượng ủng hộ ông Oa-ta-ra nhằm giành lại khu vực đang bị Tổng thống mãn nhiệm Gơ-ba-gbô nắm giữ.

Ðược sự trợ giúp của khoảng 12 nghìn quân LHQ và hàng trăm binh sĩ Pháp, lực lượng của ông Oa-ta-ra đã mở 'cuộc tiến công cuối cùng' nhằm loại bỏ ông Gơ-ba-gbô. Lực lượng này đã kiểm soát dinh thự và nhà riêng của ông Gơ-ba-gbô và gây sức ép nhằm buộc ông phải ký vào văn bản chấp thuận từ chức trước khi cùng gia đình rời khỏi đất nước sống lưu vong.

Muốn giải quyết ngay lập  tức 'vấn đề Cốt Ði-voa', với lý do lo ngại bạo lực gia tăng và 'bảo vệ dân thường', Phái bộ LHQ tại Cốt Ði-voa (UNOCI) cùng Pháp đã khẳng định, chiến dịch quân sự ở Cốt Ði-voa 'phù hợp nhiệm vụ và Nghị quyết số 1975 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua ngày 30-3' vừa qua.

Tuy nhiên, việc lực lượng bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cốt Ði-voa đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố rằng công việc nội bộ của châu Phi phải do chính châu Phi giải quyết. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp đề nghị xem xét lại lý do lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ can dự vào các cuộc giao tranh ở Cốt Ði-voa. Nga nhấn mạnh rằng lực lượng này cần thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi tính trung lập và không thiên vị, đồng thời đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra chỉ dẫn khẩn cấp về tình hình Cốt Ði-voa. Theo ông La-vrốp, hiện tình hình Cốt Ði-voa chẳng những không được cải thiện, mà đang xấu đi. Nga hối thúc tất cả các bên liên quan cuộc xung đột này bảo đảm rằng dân thường sẽ không trở thành nạn nhân của những cuộc chiến. Cố vấn T.A-lanh của ông Gơ-ba-gbô lên án những cuộc tiến công của binh sĩ LHQ và Pháp là 'bất hợp pháp' và chẳng khác nào một 'vụ mưu sát' nhằm vào ông Gơ-ba-gbô. Ông A-lanh cũng cáo buộc Pháp trang bị, cung cấp thông tin tình báo và vũ trang cho 'cuộc nổi dậy do ông Oa-ta-ra cầm đầu'.

VIỆC LHQ và Pháp đưa quân hỗ trợ  lực lượng của ông Oa-ta-ra nhằm lật đổ Tổng thống mãn nhiệm Gơ-ba-gbô gây lo ngại làm gia tăng căng thẳng ở Cốt Ði-voa cũng như gây mất ổn định ở khu vực Tây Phi, nhất là trong bối cảnh châu Phi đang đối mặt làn sóng biểu tình và bạo loạn. Dư luận thế giới bày tỏ nghi ngờ liệu việc đưa quân bên ngoài can thiệp công việc nội bộ của Cốt Ði-voa có phải là giải pháp cho những vấn đề ở nước này, hay chỉ càng làm tình hình rối ren. Xung đột, hận thù, chia rẽ  đe dọa cuộc sống hàng triệu dân thường. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Cốt Ði-voa hiện phải đối mặt nhiều thách thức bởi sau nhiều tháng xung đột giữa các phe phái, nước này đang chìm trong những khó khăn kinh tế và nguy cơ khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Diễn biến khủng hoảng chính trị ở Cốt đi-voa

Ngày 31-10-2010: Diễn ra vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên. Ông Gơ-ba-gbô dẫn đầu với 38% phiếu bầu, song chưa đủ để giành thắng lợi. Cựu Thủ tướng A.Oa-ta-ra về vị trí thứ hai với 32% phiếu bầu.

Ngày 28-11-2010: Bầu cử Tổng thống vòng hai. Theo kết quả bầu cử đưa ra ngày 2-12-2010, ông

Oa-ta-ra giành thắng lợi với 54,1%, ông Gơ-ba-gbô được 45,9% phiếu bầu.

Ngày 3-12-2010: Hội đồng Hiến pháp bác bỏ kết luận bầu cử trên. Ông Gơ-ba-gbô tuyên bố thắng cử, song không được LHQ ủng hộ. LHQ công nhận ông Oa-ta-ra giành thắng lợi.

Ngày 16-12-2010: Giao tranh giữa lực lượng ủng hộ ông Gơ-ba-gbô và ông Oa-ta-ra bùng nổ ở

TP A-bi-giăng, trung tâm chính trị và thương mại của Cốt Ði-voa.

Ngày 31-3-2011: Lực lượng của ông Oa-ta-ra chiếm được cảng xuất khẩu ca-cao quan trọng Xan

Pê-đrô.

Ngày 4 và 5-4-2011: Ông Gơ-ba-gbô đàm phán từ bỏ quyền lực sau khi lực lượng của ông Oa-ta-ra được sự hỗ trợ của LHQ và Pháp kiểm soát được dinh Tổng thống ở A-bi-giăng.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa