Thứ 3, 23/07/2024, 13:15[GMT+7]

Lưỡng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về ngân sách tài khóa 2011: Nhà Trắng thoát hiểm

Thứ 2, 11/04/2011 | 09:00:52
1,029 lượt xem
Ngày 9-4, sau những nỗ lực hiếm thấy nhằm ngăn chặn tình huống Chính phủ buộc phải "tạm ngừng hoạt động" vì hết tiền, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về ngân sách.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner thông báo về thỏa thuận ngân sách tại đồi Capitol, Washington tối 8-4.

Thỏa thuận đạt được sau 6 tuần mệt mỏi với những cuộc họp liên tiếp và căng thẳng giữa Tổng thống B.Obama cùng lãnh đạo hai viện Quốc hội Mỹ là Chủ tịch Hạ viện John Boehner và thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Harry Reid. Các nghị sĩ và Nhà Trắng đã thống nhất, cắt giảm khoảng 38,5 tỷ USD trong khoản ngân sách cho thời gian còn lại của tài khóa 2011, con số được coi là gần với đề xuất của đảng Cộng hòa cắt giảm 40 tỷ USD. Ngay sau đó, Hạ viện và Thượng viện sẽ hành động để có một biện pháp tạm thời nhằm giữ cho bộ máy chính quyền Mỹ hoạt động ổn định, tới khi kế hoạch ngân sách thành luật trong tuần tới.

Thỏa thuận này đánh dấu sự thành công phi thường giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn chưa bao giờ dễ dàng đồng thuận trước các cuộc bỏ phiếu về ngân sách. Đây là một thử thách chính trị lớn nhất mà hai đảng vừa vượt qua kể từ khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện và chiếm thêm một số ghế trong Thượng viện với cam kết cắt giảm chi tiêu Chính phủ và giảm ngân sách Liên bang.

Sự kiện đạt được thỏa thuận vào phút chót giúp nhiều người Mỹ nhẹ lòng. Bởi nếu không, sẽ chẳng biết lấy tiền ở đâu để Chính phủ liên bang hoạt động trong 6 tháng tới. Sự chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng đã khiến Quốc hội Mỹ không thể thông qua ngân sách mới cho năm 2011 trong nhiều ngày qua. Do đó, nhiều giải pháp tình thế đã được Quốc hội Mỹ đưa ra từ đầu năm tới nay để hoạt động của Chính phủ không bị tê liệt.

Để đến được với thỏa thuận nêu trên, ngày thứ sáu vừa qua, Washington đã trải qua tình trạng lo âu tài chính chưa từng thấy. Không chỉ công chức Liên bang tại thủ đô thấy rõ "sức nóng" trước sự kiện Chính phủ phải ngưng hoạt động vì… hết tiền. Các binh sĩ trong sứ mệnh viễn chinh tại Iraq, Afghanistan và những nơi khác cũng rơi vào cảm giác tương tự. Thỏa thuận vừa đạt được nói trên đã giúp ít nhất khoảng 800.000 trong số 1,9 triệu công chức Liên bang - được cho là không cần thiết - không phải nghỉ việc.

Trong quá khứ, từ tài khóa 1977 đến 1980, Chính phủ Mỹ đã phải ngưng hoạt động 6 lần, mỗi lần từ 8 đến 17 ngày. Từ tài khóa 1981 đến 1995, là 9 lần, mỗi lần kéo dài không quá 3 ngày. Thời gian Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động dài nhất là dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton với 21 ngày, khiến khoảng 800.000 viên chức Liên bang phải nghỉ việc; hơn 600 điểm thu gom rác trên toàn nước Mỹ không hoạt động; tất cả các viện bảo tàng quốc gia và 368 công viên quốc gia bị đóng cửa khiến ngành du lịch và ngành hàng không mất khoảng 9 triệu khách... Theo Chính phủ Mỹ, tổng thiệt hại của lần ngưng hoạt động năm 1995-1996 lên tới 1,4 tỷ USD.

Vì vậy, viễn cảnh Chính phủ Mỹ phải ngưng hoạt động, lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua sẽ khiến nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi chậm chạp sẽ thêm phần khó khăn. Theo tính toán của Tập đoàn Goldman Sachs, nếu Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động hơn 1 tuần, nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 8 tỷ USD. Thế nên, Tổng thống B.Obama trong những ngày qua đã phải liên tiếp lên tiếng kêu gọi cả hai đảng phải thỏa hiệp.

Như vậy, thỏa thuận về ngân sách tài khóa 2011 vừa đạt được giữa lưỡng viện không chỉ khiến nhiều người Mỹ thở phào nhẹ nhõm mà còn khép lại một chương bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, giúp đẩy mạnh tiến trình phục hồi kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, cuộc giằng co ngân sách nhuốm màu chính trị vừa tạm dứt đã đặt ra câu hỏi lớn về khả năng đối phó của nước Mỹ trước món nợ công đã vượt hơn 14 nghìn tỷ USD.

Đây quả là một thách thức không dễ vượt đối với chính quyền của Tổng thống B.Obama trong bối cảnh nước Mỹ đã bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới.

Theo Hà Nội Mới

  • Từ khóa