Thứ 5, 21/11/2024, 23:10[GMT+7]

Mỹ sắp đưa máy bay F-16 tới Ba Lan

Thứ 4, 11/05/2011 | 07:35:16
1,243 lượt xem
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp tuyên bố chính thức việc triển khai các máy bay chiến đấu F-16 tại Ba Lan, trong một động thái có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva.

Máy bay chiến đấu F16 của Mỹ. Ảnh: AFP

Chuyến thăm của ông Obama tới Ba Lan cuối tháng này, được cho là để xác nhận việc đưa các chiến đấu cơ F-16 tới nước láng giềng của Nga, trong những cuộc tiếp xúc với người đồng cấp nước chủ nhà Bronislaw Komorowski, cũng như nhiều nhà lãnh đạo Đông Âu khác, Telegraph đưa tin.

Trong khi đó, tờ Gazeta Wyborcza trích các nguồn tin ngoại giao cho hay 16 chiến đấu cơ Mỹ sẽ rời căn cứ không quân Aviano tại Italy, để tới thành phố Lask ở miền trung Ba Lan và luân phiên hoạt động tại đây tới năm 2013.

Tổng thống Mỹ cũng hy vọng thực hiện được các cuộc đàm phán về việc đưa tên lửa đánh chặn SM-3 tới Ba Lan, như một phần trong các kế hoạch của Washington về lá chắn phòng thủ tên lửa. Trước thông tin này, giới phân tích Nga cho rằng Mátxcơva nhiều khả năng sẽ phản ứng mạnh mẽ, khi Washington đang ngày một mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự tại Ba Lan, láng giềng của Nga.

Tuy nhiên, Fyodor Lukyanov, biên tập viên tạp chí Global Affairs của Nga, cho rằng mức độ nồng ấm trong mối quan hệ Washington - Mátxcơva sẽ phụ thuộc vào việc hai cường quốc này có thể tiến tới một sự đồng thuận về các kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ tại châu Âu hay không, hơn là việc triển khai các máy bay F-16.

Điện Kremlin từ lâu đã biết việc Nhà Trắng lên các kế hoạch thiết lập nhiều tên lửa đánh chặn tại Ba Lan như một phần của lá chắn phòng thủ tên lửa. Điều mà Nga thực sự quan tâm lúc này chỉ là việc đạt được sự bảo đảm chắc chắn rằng hệ thống này sẽ không đe dọa các cơ sở hạt nhân của họ.

Trong khi đó, đối với chính phủ Ba Lan, sự hiện diện những khí tài quân sự hiện đại của Mỹ trên đất nước này lại mang đến những đảm bảo an ninh, vượt xa khả năng chiến đấu đơn thuần của 16 chiếc máy bay F-16. Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski, người đã vận động cho việc chấp nhận các khí tài quân sự của Mỹ tại nước này, khẳng định rằng động thái trên sẽ gắn chặt Mỹ với việc ủng hộ Ba Lan, đồng thời tăng cường khả năng an ninh của quốc gia Đông Âu.

Theo VnExpress

  • Từ khóa