Thứ 5, 21/11/2024, 19:55[GMT+7]

Cuộc tranh giành quyết liệt giữa hai miền nam và bắc Xu-đăng

Thứ 5, 02/06/2011 | 07:30:51
1,961 lượt xem
Theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân tháng 1-2011, miền nam Xu-đăng sẽ tách khỏi miền bắc và trở thành một quốc gia độc lập từ tháng 7 tới. Tuy nhiên, tương lai của thành phố giàu dầu mỏ A-bi-ây (đang bị tranh chấp giữa hai miền nam và bắc Xu-đăng) vẫn chưa được giải quyết và xung đột leo thang có nguy cơ đẩy quốc gia miền đông châu Phi này trở lại cuộc nội chiến.

Người dân khu vực A-bi-ây nhận lương thực cứu trợ.

A-BI-ÂY là vùng đất phì nhiêu, giàu dầu mỏ, nằm giữa hai miền nam và bắc, gần các giếng dầu ở bang Thống Nhất của miền nam Xu-đăng và cũng nằm ở bang Nam Cô-đô-phan, bang sản xuất dầu mỏ duy nhất của miền bắc. Chính vì vị trí địa lý giữa hai miền, lại giàu tài nguyên nên việc phân chia khu vực này rất khó khăn. Theo thỏa thuận hòa bình toàn diện (CPA) ký năm 2005 chấm dứt cuộc nội chiến giữa hai miền nam và bắc Xu-đăng và kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 1-2011, miền nam Xu-đăng sẽ trở thành quốc gia độc lập từ ngày 9-7 tới.

 Tuy nhiên, khu vực tranh chấp A-bi-ây vẫn chưa được giải quyết. Một cuộc trưng cầu ý dân về khu vực này đã bị hoãn bởi hai bên bất đồng về vấn đề cử tri. Ðây là khu vực có hai tộc người: người Ngok Dinka ủng hộ chính phủ miền nam với hy vọng khu vực này sẽ thuộc miền nam và một phần của người A-rập Misseriya sống du mục từ miền bắc đến miền nam qua A-bi-ây tới Ba En A-rập, nơi có con sông cung cấp nguồn nước cho họ. Cả hai miền nam và bắc đều muốn sở hữu khu vực này.

Tổng thống Xu-đăng Ô.An Ba-sia kiên quyết không công nhận miền nam độc lập nếu miền nam tuyên bố chủ quyền đối với A-bi-ây. Bộ trưởng Quốc phòng Xu-đăng A.M. Hu-xê-in cũng khẳng định, A-bi-ây là một thành phố của miền bắc và quân đội Xu-đăng (SAF) sẽ ở lại đây để duy trì an ninh và ổn định cho đến khi có quyết định mới.

SAF đã giành quyền kiểm soát thành phố trọng yếu A-bi-ây sau cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân miền nam Xu-đăng (SPLA). Phái bộ Liên hợp quốc (LHQ) tại Xu-đăng cảnh báo, nguy cơ xung đột leo thang và khoảng 20 nghìn người đã phải rời bỏ A-bi-ây sau khi SAF kiểm soát thành phố này. Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ yêu cầu SAF ngừng bắn và rút khỏi thành phố này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực leo thang ở A-bi-ây, đồng thời, bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự an toàn của dân thường ở khu vực này. Ông Ban Ki Mun kêu gọi các bên ngừng các hành động quân sự, rút tất cả lực lượng và các đơn vị vũ trang khỏi A-bi-ây. HÐBA LHQ lên án việc các lực lượng nam Xu-đăng tiến công một phái đoàn LHQ ở A-bi-ây.

Trong khi đó, Tổng thống Xu-đăng Ô. An Ba-sia đã bác bỏ lời kêu gọi của quốc tế, khẳng định A-bi-ây thuộc miền bắc và SAF sẽ không rút khỏi khu vực tranh chấp này. Ông cho biết, quân đội ở A-bi-ây được 'bật đèn xanh' đáp trả bất cứ hành động khiêu khích nào của các lực lượng miền nam. Còn chính quyền miền nam thì cảnh báo, 'sự chiếm đóng bất hợp pháp' A-bi-ây của chính quyền bắc Xu-đăng có nguy cơ đẩy nước này trở lại cuộc nội chiến, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người. Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của hai bên sẽ càng làm leo thang xung đột.

Ðại sứ Mỹ tại LHQ X.Rai-xơ cảnh báo, Hội đồng An ninh LHQ (UNSC) sẽ xem xét các biện pháp và chế tài để gây sức ép, buộc các bên ở A-bi-ây chấm dứt xung đột nếu tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh miền nam Xu-đăng chuẩn bị chính thức trở thành quốc gia độc lập vào tháng 7 tới, xung đột và tranh chấp ở khu vực A-bi-ây của nước này là trở ngại lớn cho việc thực thi CPA và con đường tiến tới một nền hòa bình ở hai miền nam và bắc Xu-đăng còn nhiều chông gai.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa