Thứ 3, 23/07/2024, 09:25[GMT+7]

Mỹ đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công

Thứ 3, 02/08/2011 | 07:21:23
1,153 lượt xem
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bất ngờ thông báo, các nhà lãnh đạo nước này đã đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công.

Lời tuyên bố này được đưa ra mở ra hy vọng Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ với những hậu quả tai hại cho nền kinh tế Mỹ cũng như thế giới. Phản ứng trước thông tin này, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm mạnh.
 
Niềm hy vọng vào việc hai đảng chính trị tại Mỹ đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ công đã gần cạn, thì hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ thông báo, ông và các lãnh đạo hai viện Quốc hội Mỹ đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề nợ công của nước Mỹ.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi muốn thông báo rằng, lãnh đạo của cả hai đảng, ở cả hai Viện Quốc hội đã đồng ý về một thỏa thuận giúp giảm thâm hụt ngân sách và tránh vỡ nợ, một sự kiện sẽ gây ra những tác động khủng khiếp cho nền kinh tế của chúng ta”.
           
Theo thỏa thuận này, Quốc hội Mỹ sẽ cho phép chính phủ được vay thêm 2,4 nghìn tỷ USD. Để đổi lại, Nhà Trắng sẽ phải cắt giảm thâm hụt ngân sách theo mức tương ứng trong vòng 10 năm tới, trong đó 900 tỷ USD là cắt giảm chi tiêu ngân sách và 1,5 nghìn tỷ USD là tăng thuế và cải tổ mạng lưới an sinh xã hội.
 
Như vậy, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã chấp nhận nhượng bộ trong dự luật nâng trần nợ này, khi đảng Cộng hòa đồng ý với giải pháp tăng thuế, trong khi đảng Dân chủ đồng ý cải tổ hệ thống an sinh xã hội.
           
Dự luật nâng trần nợ công cần phải được hai viện Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua trước khi có hiệu lực. Tuy nhiên, việc giới lãnh đạo Mỹ đồng ý tạm gác các bất đồng để đi đến 1 thỏa thuận nâng trần nợ là hành động có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Mỹ và thế giới.
 
Với việc nâng trần nợ, Mỹ sẽ tránh được nguy cơ vỡ nợ và kèm theo đó là suy thoái kinh tế. Giới phân tích nhìn nhận, GDP của Mỹ có thể giảm tới 5% nếu cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài. Trong khi đó, với nền kinh tế thế giới, thỏa thuận này giúp loại bỏ nguy cơ vỡ nợ dây chuyền toàn cầu, trong bối cảnh rất nhiều quốc gia cũng đang vay nợ quá nhiều.
 
Marc Lansonneur, Trưởng nhóm đầu tư và giải pháp thị trường, công ty Societe Generale: “Hiện nay châu Âu cũng đang phải đối phó với vấn đề nợ công. Và nếu tình hình ở Mỹ trở nên tồi tệ hơn, thì cuộc khủng hoảng tại châu Âu cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Và tiếp đó có thể sẽ là Nhật Bản và Trung Quốc. Hiện nay, nợ công của Trung Quốc đã lên tới 75% GDP. Mỹ lâm vào khủng hoảng sẽ dẫn đến tác động tiêu cực dây chuyền đến các nền kinh tế khác. Vì vậy, điều quan trọng là phải tránh hiệu ứng domino và nước Mỹ phải kiểm soát tình hình”.
           
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã giải tỏa áp lực vốn đã đè nặng lên giới đầu tư toàn cầu, và giúp các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm. Chứng khoán châu Á đã tăng 1,4%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã có lúc vượt mốc 10 nghìn điểm nhờ sức cầu mạnh của giới đầu tư.
 
Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm mạnh, trong khi đó, giá vàng hôm qua đã giảm gần 1% xuống còn 1.618 USD/ounce, trong khi giá vàng SJC trong nước cũng giảm còn 39,86 triệu đồng/lượng do giới đầu tư đã chuyển một phần dòng vốn sang đầu tư sang các loại giấy tờ có giá.
           
Trong khi dự luật nâng trần nợ của Mỹ không phải là giải pháp toàn diện cho nền kinh tế nước này, dự luật này giúp tránh một cuộc khủng hoảng nợ với những hậu quả tai hại cho kinh tế Mỹ và thế giới.

Theo VTV

  • Từ khóa