Thứ 3, 23/07/2024, 09:25[GMT+7]

Nê-pan lại rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị

Thứ 3, 16/08/2011 | 07:30:26
1,052 lượt xem
Nhùng nhằng nửa năm trời để lập một chính phủ mới mà vẫn bất thành, ngày 14-8 vừa qua, Thủ tướng Nê-pan G.Kha-nan đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống B.Y-a-đáp, cho rằng sự "ra đi" của ông sẽ góp phần mở đường cho việc lập một chính phủ liên minh đồng thuận.

Ông Kha-nan rời nhiệm sở khi vừa đệ đơn từ chức Thủ tướng.

Theo giới quan sát nhận định, động thái trên có thể đẩy Nê-pan lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị. Sau 16 lần bỏ phiếu không thành công, đến lần bỏ phiếu thứ 17 vào ngày 3-2 vừa qua, Quốc hội (QH) Nê-pan mới bầu được ông Kha-nan, Chủ tịch đảng CPN- UML, làm Thủ tướng, với hy vọng ông có thể chấm dứt chuỗi bảy tháng bất ổn định chính trị kéo dài trước đó. Tuy nửa năm đã trôi qua, với nhiều lần cải tổ bộ máy chính quyền, song ông Kha-nan vẫn chưa thể tìm được sự đồng thuận của các đảng chính trị về việc chia sẻ quyền lực trong chính phủ mới. Ðệ đơn từ chức, Thủ tướng Kha-nan thừa nhận "chưa có tiến bộ" nào được ghi nhận trên chính trường Nê-pan mặc dù ông đã nỗ lực hết sức. Tổng thống Y-a-đáp cũng chia sẻ những ý kiến này. Ðiều đó có nghĩa là, hai vấn đề trọng yếu đối với Chính phủ Nê-pan là hoàn tất tiến trình hòa bình và soạn thảo Hiến pháp mới trước ngày 31-8, thời điểm hoạt động của Hội đồng lập hiến (CA) hết hiệu lực sau nhiều lần gia hạn, vẫn giậm chân tại chỗ.

CA gồm 601 thành viên, được bầu năm 2008 với nhiệm kỳ hai năm, nhằm soạn thảo bản Hiến pháp cộng hòa đầu tiên cho Nê-pan sau khi nước này chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ và kết thúc chế độ quân chủ kéo dài 240 năm. Nhưng cũng kể từ đó, đất nước Nê-pan luôn ở trong tình trạng bất ổn định chính trị, chủ yếu do các đảng trong QH không thỏa hiệp được về việc phân chia quyền lực. Ba đảng chính trong QH Nê-pan, gồm đảng UCPN-M (là đảng lớn nhất, nắm 235 ghế), đảng Quốc đại Nê-pan (NC, kiểm soát 114 ghế) và đảng CPN-UML (nắm 109 ghế), đều muốn giữ chức thủ tướng, nhưng các ứng cử viên của các đảng này đều không đạt số phiếu ủng hộ quá bán trong QH 601 ghế. UCPN-M tuyên bố sẵn sàng ngồi ghế đối lập, song đòi hỏi thật sự của họ là vai trò lãnh đạo chính phủ; CPN-UML chia thành nhiều phái, trong đó một phái muốn nắm quyền lãnh đạo chính phủ, hai phái còn lại thì một ủng hộ NC, một ủng hộ UCPN-M.

Nắm quyền lãnh đạo chính phủ với sự ủng hộ của đảng UCPN-M, Thủ tướng Kha-nan có nhiệm vụ giải quyết những bất đồng liên quan việc soạn thảo Hiến pháp, hợp nhất quân đội và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Nê-pan. Sáu tháng qua, ông Kha-nan đã nhiều lần cải tổ thành phần Chính phủ nhằm từng bước dung hòa lợi ích của các phe phái chính trị chủ chốt trong QH. Trong đợt cải tổ chính phủ lần thứ tư chỉ trong vòng ba tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Kha-nan đã bổ nhiệm 11 bộ trưởng và năm thống đốc bang. Trong số 12 vị trí bổ nhiệm mới, có tám đại diện của UCPN-M, ba đại diện của Diễn đàn nhân quyền Ma-đê-si (MPRF) và một đại diện của CPN-UML. Một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-8 vừa qua, Thủ tướng Kha-nan lại cải tổ chính phủ, với việc bổ nhiệm chín nghị sĩ thuộc UCPN-M vào chính phủ. Như "giọt nước tràn ly", quyết định nêu trên của Thủ tướng Kha-nan đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của QH và ngay cả trong các thành viên của đảng UCPN-M, buộc ông không còn lựa chọn nào khác là tuyên bố từ chức.

Sự sụp đổ của Chính phủ do Thủ tướng Kha-nan đứng đầu cũng đồng nghĩa chính trường Nê-pan tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Mong muốn của 19 nghìn tay súng nổi dậy trước đây muốn gia nhập quân đội chính phủ vẫn chưa được giải quyết, kéo theo là những hệ lụy xã hội khiến tiến trình hòa bình đất nước bị ngưng trệ. Hơn thế nữa, điều này cũng đẩy tiến trình soạn thảo bản Hiến pháp mới vốn rất phức tạp ở quốc gia Nam Á này tiếp tục rơi vào bế tắc. LHQ và cộng đồng quốc tế kêu gọi lãnh đạo các chính đảng Nê-pan hòa giải và nhượng bộ để bảo đảm thực hiện có kết quả tiến trình hòa bình và ngăn chặn nguy cơ bạo lực có thể lại bùng phát.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa