Thứ 3, 23/07/2024, 09:36[GMT+7]

Cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức

Thứ 5, 18/08/2011 | 07:50:21
1,066 lượt xem
Sự kiện quan trọng nhất được giới kinh tế tài chính toàn cầu quan tâm trong ngày hôm qua là cuộc gặp thượng đỉnh Pháp - Đức, nhằm tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Đáng tiếc là cuộc họp đã không mang lại được kết quả như mong đợi. Thị trường Mỹ đồng loạt sụt giảm trong khi chứng khoán châu Âu trong những phút đầu mở cửa cũng bị mất điểm tại tất cả các chỉ số lớn.
 
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu đã mở cửa giảm điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua, khi các nhà đầu tư dường như không mấy ấn tượng bởi đề xuất được 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức đưa ra. Lãnh đạo 2 cường quốc hàng đầu châu Âu kêu gọi thắt chặt hơn các quy định tài chính, và đoàn kết giữa các quốc gia châu Âu, nhưng lại không có một giải pháp tài chính nào ngay lập tức.
 
Ấn tượng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh này được báo giới quan tâm là đề xuất của Tổng thống Pháp Sarkozy thiết lập "chính phủ kinh tế chung" cho châu Âu với chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy đứng đầu.
 
Hai nhà lãnh đạo muốn quá trình hoàn thành vào mùa hè năm 2012, nhưng nó sẽ gần như chắc chắn đối mặt với những rào cản chính trị phức tạp ở nhiều nước.
 
Ông Robert Halver, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường - Ngân hàng Baader (Đức): “Về lâu dài, một chính phủ tài chính châu Âu sẽ là một điều tích cực, tuy nhiên con đường để đi sẽ rất dài. Hãy nhớ rằng để tạo ra hiến pháp, châu Âu đã mất đến 2 năm rưỡi, do vậy nó sẽ không phải là một giải pháp trước mắt. Điều các các thị trường giờ đây muốn biết là làm các nào để Italy, Tây Ban Nha và các nền kinh tế bất ổn khác trở lại ổn định”.
 
Hai nhà lãnh đạo cho biết, họ sẽ đề xuất một cơ chế thuế quan trên toàn Liên minh châu Âu trong lĩnh vực giao dịch tài chính, đồng thời hài hoà thuế quan giữa các nước như một bước đi quan trọng nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên động thái này cũng không tạo được niềm tin cho giới chuyên gia.
 
Ông Robert Halver, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường - Ngân hàng Baader (Đức): “Các khoản thuế tài chính phải được áp đặt tại cả châu Âu cũng như Anh, bởi nó sẽ không có giá trị gì nếu các ngân hàng tại Frankfurt nói rằng, nó có hiệu lực đối với chúng ở đây, vậy thì hãy chuyển sang Anh”.
 
Tại Paris, chuyên gia của sàn giao dịch KBL Richelieu cho biết, phản ứng của thị trường là "một chút không chắc chắn bởi các quyết định đã không mạnh mẽ như thị trường đã kỳ vọng".
 
Ông Dominique Dequidt, Nhà quản lý tài sản - sàn chứng khoán KBL Richelieu: “Thị trường ngày hôm nay tỏ ra một chút không chắc chắn. Có thể thấy điều đó khi ngày hôm qua thị trường đã đi lên khi kỳ vọng rằng, sẽ có những biện pháp chính xác. Tuy nhiên các nhà chính trị ngày hôm nay đã muốn tìm ra những giải pháp trong trung hạn với một khu vực kinh tế châu Âu đạt sự gắn kết hơn”. 

Chưa tìm được giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ công, châu Âu còn đối mặt với lo lắng mới. Cơ quan thống kê châu Âu vừa công bố số liệu cho thấy, tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone gồm 17 thành viên đã chậm lại ở mức 0,2% trong quý II, thấp hơn so với dự báo cũng như kém xa tốc độ tăng trưởng 0,8% của quý trước. Và sự hụt hơi lại bắt nguồn chủ yếu là do kinh tế của hai đầu tàu Pháp và Đức sa sút.

Theo VTV

  • Từ khóa