Thứ 3, 23/07/2024, 07:31[GMT+7]

Ðất nước "mặt trời mọc" còn nhiều thách thức

Thứ 3, 30/08/2011 | 07:35:24
1,011 lượt xem
Thắng cử trong cuộc bầu Chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền ở Nhật Bản ngày 29-8, Bộ trưởng Tài chính Y.Nô-đa, 54 tuổi, sẽ thay ông N.Can trở thành Thủ tướng của đất nước "mặt trời mọc". Ông Nô-đa sẽ đối mặt nhiều thử thách, trong đó khó khăn nhất là đoàn kết nội bộ DPJ và hợp tác các đảng đối lập để thúc đẩy tái thiết đất nước sau thảm họa động đất - sóng thần vừa qua.

Bộ trưởng Tài chính Y.Nô-đa (thứ hai từ phải sang) vượt qua bốn ứng cử viên trở thành Chủ tịch DPJ. Ảnh: ASAHI

Mặc dù Thủ tướng N.Can chịu nhiều chỉ trích, nhưng khách quan nhìn lại cả chặng đường 14 tháng cầm quyền của ông (từ tháng 6-2010), có thể nói, ông đã đạt một số thành công nhất định. Trong 100 ngày đầu tại vị, mặc dù phải thay ông Y.Ha-tô-y-a-ma buộc phải từ chức vì mất tín nhiệm và ngay sau đó tiếp tục rơi vào thế khó khăn khi DPJ mất quyền kiểm soát Thượng viện, nhưng ông Can đã vượt qua thử thách khắc nghiệt đầu tiên là cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ tháng 9-2010, giành thắng lợi trước cựu Tổng Thư ký I.Ô-da-oa, người có ảnh hưởng lớn nhất trong DPJ.

Tháng 3-2011, Nhật Bản hứng chịu thảm họa siêu động đất gây sóng thần làm hơn 20 nghìn người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 180 tỷ USD. Thảm họa này còn gây ra cuộc khủng hoảng rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1. Trước sức ép ngày càng lớn đòi ông từ chức, Thủ tướng Can đã kiên trì lãnh đạo công cuộc khắc phục hậu quả thảm họa và chỉ sau ba tháng, chính phủ của ông cùng nhân dân Nhật Bản đã đạt những thành công bước đầu đáng khâm phục là giữ được trật tự xã hội, khôi phục các dịch vụ thiết yếu với đời sống nhân dân, kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục với mức suy giảm trong quý II vừa qua chỉ còn 0,3%, giảm hẳn so quý I là 0,9%.

Thủ tướng Can cũng đã nỗ lực đàm phán với các nhóm trong DPJ và các đảng đối lập để QH thông qua ba dự luật quan trọng đối với công cuộc tái thiết đất nước và hoạt động của chính phủ, gồm dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ hai trong tài khóa 2011, dự luật phát hành công trái để bù đắp thâm hụt ngân sách và dự luật thúc đẩy sử dụng năng lượng tái sinh. Sau khi hoàn tất phần lớn lời tuyên bố: "Tại vị để giúp đất nước khắc phục khó khăn!", ông Can đã giữ đúng lời hứa từ chức.

Cần phải nói rằng, những thách thức Thủ tướng N.Can chưa vượt qua và buộc ông phải từ chức không phải mới xuất hiện, mà đã có từ lâu trong nền chính trị, kinh tế và xã hội Nhật Bản. Ðó là tình trạng xã hội già hóa, tạo gánh nặng lương hưu ngày càng lớn lên nền kinh tế và ngân sách nhà nước. Về kinh tế, là hàng loạt vấn đề nan giải như thiểu phát, đồng yên tăng giá cản trở xuất khẩu, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ nợ công cao. Chính trường Nhật Bản từ lâu lại chìm trong chia rẽ, đấu tranh nội bộ đảng cầm quyền và giữa các đảng phái, khiến nhiều chính sách rơi vào bế tắc, làm cử tri thất vọng. Hậu quả là năm thủ tướng phải ra đi trong vòng năm năm qua, đảng Dân chủ Tự do (LDP) thất cử sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, DPJ lên cầm quyền chưa đầy một năm đã để mất quyền kiểm soát Thượng viện, QH lại rơi vào thế bế tắc.

Thảm họa kép động đất - sóng thần kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tạo thêm những thử thách mới hết sức nặng nề đối với chính quyền Nhật Bản. Ðó là nhiệm vụ tái thiết đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và yêu cầu điều chỉnh chính sách an ninh năng lượng. Nhưng nội bộ DPJ tiếp tục giằng co giữa hai xu hướng: Một mặt (được ban lãnh đạo đương nhiệm của DPJ ủng hộ) là xem lại những ưu tiên trong cương lĩnh đảng đề ra trước cuộc bầu cử Hạ viện cách đây hai năm và hợp tác với các đảng đối lập. Mặt khác (được cựu Tổng Thư ký I.Ô-da-oa và cựu Thủ tướng Y.Ha-tô-y-a-ma ủng hộ) là trung thành với cương lĩnh 2009 và không thỏa hiệp với lực lượng đối lập. Hậu quả là việc công ty đánh giá tín dụng quốc tế Moody’s vừa qua hạ mức tín nhiệm của Nhật Bản vì tỷ lệ nợ công cao (đã bằng 200% GDP, cao nhất thế giới) và tình trạng bất ổn chính sách.

Trong bối cảnh nói trên, việc diễn ra một cuộc bầu cử bất thường với chỉ bốn ngày chuẩn bị kể từ khi ông N.Can tuyên bố từ chức Chủ tịch đảng và có tới năm ứng viên tranh cử, phải tiến hành hai vòng bỏ phiếu do không ứng cử viên nào giành số phiếu quá bán sau vòng một cho thấy, tân Chủ tịch Y.Nô-đa cũng như DPJ đang đối mặt nhiều thách thức nặng nề. Trước hết là nhiệm vụ đoàn kết nội bộ, tập trung mọi nỗ lực để vượt qua những khó khăn chồng chất, trong đó có việc giải quyết "núi nợ công" của Nhật Bản. Phát biểu ý kiến sau bầu cử, ông Nô-đa một lần nữa kêu gọi toàn thể thành viên DPJ đoàn kết và nhấn mạnh chủ trương hợp tác với các đảng đối lập để thúc đẩy công cuộc tái thiết Nhật Bản.

Trận siêu động đất - sóng thần vừa qua đã tàn phá khủng khiếp đất nước Nhật Bản. Nhưng vượt qua thử thách khắc nghiệt này, người dân xứ sở hoa anh đào một lần nữa khẳng định những phẩm chất đáng khâm phục như ý chí kiên cường, tinh thần kỷ luật... đã giúp họ nhiều lần đứng dậy và vượt lên từ đống tro tàn. Những gian nan trong một năm tới trước cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ tháng 9-2012 sẽ thử thách bản lĩnh của ông Y.Nô-đa cùng ban lãnh đạo mới của DPJ. Hy vọng rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ vững tay chèo, đưa con tàu "đất nước mặt trời mọc" vượt qua mọi thách thức và trở lại tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng mong đợi của người dân.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa