Thứ 2, 20/05/2024, 04:08[GMT+7]

Hội thảo quốc tế về Biển Ðông tại Ma-lai-xi-a

Thứ 4, 19/10/2011 | 08:17:56
1,225 lượt xem
Ngày 17-10, Hội thảo quốc tế về Biển Ðông với chủ đề "Con đường tiến tới hòa bình, ổn định và phát triển" đã diễn ra tại Thủ đô Cu-a-la Lăm-pơ của Ma-lai-xi-a, tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu hàng đầu về Biển Ðông chia sẻ thông tin và đưa ra đề xuất nhằm tìm cách giải quyết tình hình tranh chấp ở Biển Ðông một cách hiệu quả hơn.

Vấn đề Biển Đông nhận được sự quan của nhiều nhà khoa học trên thế giới. (Nguồn ảnh: Internet)

Hội thảo do Viện Nghiên cứu ASEAN và các vấn đề toàn cầu (INSPAG) của Ma-lai-xi-a phối hợp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Ðộ đồng tổ chức, đã thu hút sự tham gia của khoảng 130 học giả, chuyên gia nghiên cứu của Ma-lai-xi-a, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Việt Nam và nhiều nước khác. Tham dự hội thảo còn có Thứ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a Áp-đun La-típ A-mát cùng đại diện phái bộ ngoại giao các nước tại Ma-lai-xi-a.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận các chủ đề như xúc tiến đề ra các đường lối chỉ đạo cho việc thực hiện Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Ðông (COC), tầm quan trọng chiến lược của các tuyến hàng hải ở Biển Ðông đối với thương mại châu Á, các hoạt động quân sự gần đây tại những khu vực tranh chấp ở Biển Ðông.

Trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, khi trung tâm kinh tế toàn cầu chuyển dịch sang hướng Ðông, các tuyến đường thương mại phục vụ cho khu vực này đã trở nên quan trọng hơn. Các đại biểu cho rằng, giải quyết tranh chấp Biển Ðông là một quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài và liên quan tới nhiều bên. Vì vậy, tranh chấp ở Biển Ðông cần phải được giải quyết một cách đa phương với những nỗ lực và thiện chí của các bên tranh chấp cũng như của cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận Ba-li tháng 7-2011 cũng là đường hướng chỉ đạo việc thực thi các hoạt động hợp tác, các biện pháp và dự án chung có thể thực hiện được như đã nêu trong DOC.

Các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, cần giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông trên tinh thần hợp tác và hiểu biết giữa các bên liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Các đại biểu cho rằng, cần ủng hộ việc thực hiện sáng kiến của Phi-li-pin về xây dựng khu vực Biển Ðông thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển; hoan nghênh việc ASEAN thành lập Nhóm chuyên viên để soạn thảo COC; kêu gọi sự đoàn kết và thống nhất quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Ðông.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa