Thứ 2, 20/05/2024, 00:37[GMT+7]

EU đã tìm được tiếng nói chung về nợ công

Thứ 6, 28/10/2011 | 08:35:12
1,397 lượt xem
Chỉ trong vòng 3 ngày, châu Âu đã chứng kiến hai cuộc họp thượng đỉnh khủng hoảng nợ công. Kết thúc cuộc họp thứ hai hôm 27/10, các nước EU đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề này.

Ảnh: AFP

Cuộc họp thượng đỉnh EU lần này đã chứng kiến một sự kiện hiếm có, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải đi lại như con thoi giữa phòng họp với các nhà lãnh đạo EU và đại diện các ngân hàng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của khối tư nhân cho thỏa thuận cứu Hy Lạp. Nỗ lực có phần tuyệt vọng này đã đem lại kết quả. Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ công, các ngân hàng châu Âu đã phải chấp nhận xóa bỏ 50% nợ cho Hy Lạp. Đây là một trong những thành quả lớn nhất của EU trong hội nghị thượng đỉnh lần này.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận mang tính tự nguyện với khu vực tư nhân. Đúng như những gì nước Pháp yêu cầu trước cuộc họp này, chúng tôi đã loại trừ được khả năng vỡ nợ của Hy Lạp. Khu vực tư nhân đã đồng ý xóa bỏ 50% nợ cho Hy Lạp”.
 
Cũng tại hội nghị này, các nước EU đã đạt được thỏa thuận trên hai điểm quan trọng khác là nâng nguồn cung cấp vốn dành cho Quỹ bình ổn Tài chính châu Âu từ 440 tỷ euro lên 1000 tỷ euro và tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu của các ngân hàng khu vực lên 9%. Các nhà lãnh đạo EU và IMF tin rằng, những thỏa thuận này đã giúp tạo nên “bức tường lửa” ngăn chặn sự lây lan của khủng hoảng nợ công.
 
Chia sẻ về vấn đề này, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cho biết: “Ngày hôm nay chúng ta đã có một kế hoạch toàn diện. Chúng ta đã có sự hỗ trợ từ khối tư nhân đối với Hy Lạp. Chúng ta đã có chương trình tái cơ cấu vốn với sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU và một quỹ bình ổn tài chính tạo nên sự chống trả hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng nợ công. Và vượt lên trên tất cả là sự đồng thuận chính trị nhằm đạt được 1 cơ chế tài chính và kinh tế tốt hơn”.
 
Tiếp nhận kết quả về cuộc họp thượng đỉnh EU, các thị trường tài chính châu Á đã phản ứng tích cực và có ngày tăng điểm đồng loạt. Những biện pháp quyết liệt của châu Âu trong cuộc họp lần này đã trấn an các thị trường tài chính và các doanh nghiệp về quyết tâm của châu Âu trong việc bảo vệ khu vực đồng tiền chung.
 
Tiến sĩ Andreas Stoffers, Ủy viên điều hành, Văn phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam nói: “Chúng ta còn phải đợi những diễn biến tiếp theo trong các ngày tới và tuần tới. Nhưng chúng tôi tin rằng, những biện pháp được thực hiện tại hội nghị lần này là một bước đi đúng đắn theo một hướng đúng đắn. Hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy châu Âu sẽ không đầu hàng trước vấn đề nợ công”.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng, việc các ngân hàng châu Âu phải xóa nợ cho Hy Lạp và nâng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh ở các nước châu Âu.
 
Tiến sĩ Martin Schulz, chuyên gia cao cấp, Viện nghiên cứu kinh tế Fujitsu khẳng định: “Châu Âu đang tập trung vào việc củng cố độ an toàn của các ngân hàng. Từ nay các ngân hàng châu Âu sẽ cần nhiều tiền hơn, họ sẽ phải huy động vốn thông qua các thị trường tài chính, đồng thời họ phải cắt giảm nguồn cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân. Sự siết chặt tiền cho vay này sẽ tác động đặc biệt mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ”.
 
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi như một bước ngoặt trong cuộc chiến chống tình trạng nợ công. Những thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này đã giúp giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp và củng cố độ an toàn của các ngân hàng châu Âu. Song những vấn đề cơ bản của cuộc khủng hoảng châu Âu là sự tăng trưởng trì trệ ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại khu vực Nam Âu, tình trạng thâm hụt ngân sách và thất nghiệp cao vẫn còn tồn tại, và điều này có thể khiến cuộc chiến chống khủng hoảng của châu Âu tiếp tục kéo dài.

Theo VTV

  • Từ khóa