Thứ 2, 20/05/2024, 02:31[GMT+7]

LHQ kêu gọi chung sức chăm lo vấn đề dân số thế giới

Thứ 5, 03/11/2011 | 08:07:56
3,137 lượt xem
Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) vừa công bố báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2011, theo đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, công dân thứ 7 tỷ chào đời và dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên tới 9,3 tỷ người vào năm 2050 và hơn 10 tỷ người vào năm 2100.

Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất do tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng tại châu Phi. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh tại các khu vực trên thế giới không đồng đều. Dân số đang tăng rất nhanh tại châu Phi, châu lục nghèo nhất, với dự báo sẽ có thêm một tỷ người vào năm 2050 và ba tỷ người vào năm 2100 tại châu lục này. Tỷ lệ sinh cao khiến nạn đói, bất bình đẳng ở những vùng kém phát triển trở nên trầm trọng hơn, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản không được đáp ứng. Trong khi đó, các nước giàu phải đối mặt tình trạng suy giảm dân số, già hóa dân số, khiến lực lượng lao động giảm đáng kể trong những năm tới, gia tăng lo ngại về phát triển bền vững và tăng sức ép hệ thống y tế và phúc lợi xã hội.

LHQ kêu gọi, thay vì chỉ lo lắng dân số thế giới đạt mốc bảy tỷ người, thế giới nên suy nghĩ làm sao tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh dân số gia tăng hiện nay. Theo thống kê của LHQ, dân số thế giới còn rất trẻ. Số người dưới 25 tuổi chiếm 43% số dân toàn cầu; tại một số nước, tỷ lệ này là 60%. Nhìn một cách tích cực, dân số gia tăng cung cấp nguồn lao động dồi dào cho nền kinh tế thế giới. Nếu các nhà hoạch định chính sách đưa ra chiến lược đào tạo phù hợp, khai thác sức sáng tạo và năng lực đổi mới của giới trẻ, lực lượng lao động này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời tránh được nhiều vấn nạn xã hội khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thực tế đã chứng minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình trong thời gian gần đây ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi là tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên tại khu vực này lên tới gần 25% (báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)).

Theo báo cáo của LHQ, số người già trên thế giới đang tăng lên. Tỷ lệ dân số hơn 60 tuổi sẽ tăng từ 11% năm 2009 lên 22% vào năm 2050. Tình trạng này đặt ra vấn đề lớn trong hoạch định chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống của người cao tuổi, chính sách cân bằng dân số, tránh tình trạng tỷ lệ dân số già quá cao. Ở những nước như Trung Quốc, Ấn Ðộ, các nước Tây Âu, nơi tình trạng lão hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, chính phủ và các tổ chức xã hội cần đầu tư hơn nữa trong công tác chăm sóc y tế, cung cấp đầy đủ dịch vụ xã hội cho người già; đưa ra chính sách khuyến khích sinh đẻ với nhiều điều kiện thuận lợi.

Hiện nay, dân số thành thị đang gia tăng, chiếm một nửa tổng số bảy tỷ dân trên thế giới. Trong những thập kỷ tới, nhiều khả năng xu hướng người nông thôn ra thành phố để tìm kiếm cơ hội học tập, việc làm và y tế tốt hơn sẽ tiếp tục tăng. LHQ hối thúc các nước lập chiến lược quản lý hợp lý quá trình đô thị hóa; các quốc gia phối hợp chặt chẽ quản lý các luồng người di cư.

Dù có nhiều hứa hẹn đưa ra tại các hội nghị G8, G20 và các hội nghị của LHQ, công tác kế hoạch hóa gia đình vẫn diễn ra chậm chạp. LHQ cho biết, tiền tài trợ cho các biện pháp tránh thai gần như không đổi trong suốt thập niên 90 của thế kỷ 20. Theo báo cáo ngày 26-10 vừa qua của Tổng Thư ký LHQ tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển ở Thủ đô Cai-rô (Ai Cập), cần 68 tỷ USD trong năm 2011 để thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại và đầy đủ trên toàn cầu. Các nước dự kiến sẽ đóng góp 34 tỷ USD, trong đó 10,8 tỷ USD đến từ các nhà tài trợ quốc tế và song phương. Vậy là còn thiếu khoảng 25 tỷ USD để hoàn thành chương trình.

Cột mốc bảy tỷ người là lời kêu gọi hành động nhằm thay đổi tình trạng dân số phát triển nhanh và không đồng đều trên thế giới. Ðây cũng là cơ hội để đưa các vấn đề về dân số, quyền phụ nữ và kế hoạch hóa gia đình trở lại tâm điểm chú ý. Chính phủ các nước hợp tác chặt chẽ không chỉ trong việc giải quyết vấn đề này mà còn trong việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên có hạn. Trong bối cảnh thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau, sự đoàn kết, đóng góp của chính phủ các nước và các tổ chức xã hội là cần thiết để giải quyết vấn đề dân số.

Theo Nhân Dân

  • Từ khóa