Thứ 3, 23/07/2024, 05:31[GMT+7]

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19 khẳng định quyết tâm tăng cường liên kết khu vực

Thứ 3, 15/11/2011 | 08:07:32
1,422 lượt xem
Tại TP Hô-nô-lu-lu, thủ phủ bang Ha-oai (Hoa Kỳ) đã diễn ra Lễ khai mạc chính thức Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19. Dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Ðoàn đại biểu cấp cao nước ta do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19.

Trong phát biểu chào mừng lãnh đạo các thành viên APEC đến tham dự hội nghị tại thành phố quê hương, Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị và bày tỏ tin tưởng, với chủ đề "Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại", các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra những quyết định quan trọng đối với Diễn đàn APEC và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh nỗ lực phục hồi kinh tế và quan hệ quốc tế có nhiều biến động.

Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo cùng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ đã họp Phiên họp kín thứ nhất về "Tăng trưởng và việc làm". Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của Quỹ IMF về những thách thức đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh nguy cơ tăng trưởng suy giảm, tình trạng thất nghiệp cao tại các nền kinh tế phát triển và lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển. Các nhà lãnh đạo nhất trí APEC cần tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác tài chính, thực hiện chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự  tham gia của các thành viên vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí APEC tiếp tục chú trọng hơn hợp tác để thực hiện tăng trưởng bền vững và đồng đều nhằm quan tâm việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân, nhất là những đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương. Hội nghị nhất trí cần nỗ lực thúc đẩy kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha, tăng cường phối hợp giữa APEC với các định chế kinh tế, tài chính quốc tế như IMF, Ngân hàng thế giới (WB) và G20.

Chiều cùng ngày, hội nghị cấp cao APEC tiếp tục diễn ra với Phiên họp kín thứ hai về "Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng". Ðây là một trong những trọng tâm của hội nghị và được nhiều thành viên hết sức quan tâm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng tại khu vực, hiện chiếm tới 55% GDP toàn cầu và 60% nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới. Hội nghị nhất trí triển khai các chiến lược giảm khí thải các-bon, xóa bỏ các hình thức trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch và nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong APEC vào năm 2035. Các thành viên mong muốn những kết quả cụ thể này sẽ góp phần bảo đảm năng lượng cho phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của APEC góp phần vào nỗ lực quốc tế chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh và bảo đảm an ninh năng lượng.

Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cải cách quản lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh, coi đây là một nội dung hợp tác trong giai đoạn hiện nay. Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những rào cản đối với thương mại và đầu tư.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong những lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC được mời phát biểu ý kiến đầu tiên tại hội nghị. Chủ tịch nước đánh giá cao những kết quả của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam luôn nỗ lực cùng APEC đẩy mạnh tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Chủ tịch nước đề nghị APEC cần đóng góp tích cực để tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, cải cách tài chính quốc tế, củng cố hệ thống thương mại đa phương và đặc biệt cần nỗ lực quyết liệt để sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha với kết quả cân bằng vì mục tiêu phát triển. Chủ tịch nước nêu rõ, với tiềm lực to lớn của mình, APEC cần ưu tiên các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mê Công.

Về an ninh năng lượng, Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng và an ninh năng lượng, chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường. Chủ tịch nước đề nghị APEC cần tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác sử dụng hiệu quả năng lượng và an ninh  năng lượng, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư và tập trung nhiều cơ sở sản xuất, cải thiện hệ thống giao thông theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất sạch, đồng thời cần tăng cường đóng góp vào các nỗ lực của LHQ và các cơ chế, các chương trình hợp tác đang được triển khai ở khu vực, trong đó có các dự án của ASEAN và "Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng".

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà lãnh đạo APEC tham dự cuộc đối thoại với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực về những vấn đề đang được các doanh nghiệp hết sức quan tâm như liên kết kinh tế khu vực, phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, và tạo thêm việc làm.

*  Sau hai ngày làm việc, chiều 13 -11, Hội nghị cấp cao APEC 19 đã chính thức bế mạc tại khu khách sạn Ma-ri-ốt I-hi-li-ni của TP Hô-nô-lu-lu. Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố Hô-nô-lu-lu - Hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết" và các văn kiện kèm theo về thúc đẩy chính sách sáng tạo hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường, gồm "Tăng cường tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu", "Thương mại và đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường", và "Ðẩy mạnh thực hiện các điển hình tốt về quản lý". Tuyên bố chung và các văn kiện tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của các thành viên APEC cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn kết hơn. Hội nghị cấp cao APEC 20 sẽ được tổ chức tại TP Vơ-la-đi-vô-xtốc, LB Nga tháng 9-2012.

Hội nghị cấp cao APEC 19 đã khép lại một năm hợp tác hiệu quả, thiết thực và hết sức sôi động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với thành công của cuộc họp cấp cao Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương lần thứ hai, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Thương mại APEC lần thứ 23, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 18 và Hội nghị cấp cao doanh nghiệp APEC 2011, Hội nghị cấp cao APEC 19 đã đánh dấu chặng đường hợp tác và liên kết mới của APEC.

Theo nhandan.com

  • Từ khóa