Chủ nhật, 19/05/2024, 18:43[GMT+7]

Liên Hợp Quốc lên tiếng về việc chuyển giao chính trị tại Syria

Thứ 6, 17/02/2012 | 15:05:12
1,142 lượt xem
Với 173 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 17 phiếu trắng, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) chiều qua đã thông qua một nghị quyết ủng hộ việc chuyển giao chính trị tại Syria và kêu gọi bổ nhiệm một đặc phái viên LHQ tại nước này - 11 tháng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị. Ngay lập tức Nga và Trung Quốc phủ quyết như đã làm hôm 4-2.

Dự thảo Nghị quyết do A-rập Xê-út soạn thảo và được Ai Cập đệ trình trước 193 nước thành viên của Đại Hội đồng LHQ.

BBC cho biết, dự thảo nghị quyết lên án việc vi phạm nhân quyền tại Syria và kêu gọi chấm dứt bạo lực. Nghị quyết cho biết, Đại Hội đồng LHQ “lên án tất cả bạo lực, không phân biệt bắt nguồn từ đâu và kêu gọi tất cả các đảng phái tại Syria, trong đó có các nhóm vũ trang, chấm dứt tất cả hành động bạo lực trả thù ngay lập tức, phù hợp với sáng kiến của AL”.

Dự thảo nghị quyết này tương tự như bản dự thảo nghị quyết bị Nga và Trung Quốc – hai nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - phủ quyết hôm 4-2. Dự thảo này có nội dung yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực cho Phó tổng thống.

Đại hội đồng LHQ “hỗ trợ đầy đủ” quyết định ngày 22-1 của AL “để tạo điều kiện thuận lợi cho một quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria sang một một hệ thống chính trị đa nguyên, dân chủ, trong đó công dân đều bình đẳng, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo, bao gồm việc khởi đầu thông qua một cuộc đối thoại chính trị nghiêm túc giữa chính phủ Syria và phe đối lập theo thời gian biểu do AL đề xuất.

Syria đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch của AL về việc chuyển giao chính trị và can thiệp từ bên ngoài vào “các công việc nội bộ của mình”.

Nghị quyết cho biết, Đại Hội đồng LHQ yêu cầu “Tổng thư ký LHQ và các cơ quan LHQ có liên quan hỗ trợ cho những nỗ lực của cả các quốc gia Ả-rập thông qua các văn phòng của họ nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria, bao gồm bổ nhiệm một đặc phái viên (tại Syria) cũng như thông qua hỗ trợ về mặt kỹ thuật và vật chất.

Nga và Trung Quốc phản đối

Như dự kiến, Trung Quốc và Nga một lần nữa đã bỏ phiếu chống đối với bản dự thảo nghị quyết. Cả hai đã kiên quyết phản đối, cho rằng những gì họ thấy là buộc phải thay đổi chế độ tại Syria và bày tỏ lo ngại về khả năng can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Giải thích sau cuộc bỏ phiếu tại Đại Hội đồng LHQ, ông Wang Min, Phó đại diện Thường trực của Trung Quốc tại Đại Hội đồng LHQ, nói: “Chúng tôi không chấp thuận can thiệp vũ trang hay ép buộc theo cái gọi là “thay đổi chế độ” ở Syria. Chúng tôi không tin các biện pháp trừng phạt hay đe dọa trừng phạt giúp đạt được một giải pháp thích hợp”.

Nghị quyết cũng “kêu gọi chính quyền Syria cho phép hỗ trợ nhân đạo an toàn và không bị cản trở để bảo đảm việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người cần được hỗ trợ”.

Đại Hội đồng LHQ “yêu cầu Tổng thư ký báo cáo về việc thực hiện nghị quyết, tham khảo ý kiến với AL trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông qua”.

Ông Wang cho biết: “Những hành động của cộng đồng quốc tế và LHQ về vấn đề Syria nên giúp nước này giảm căng thẳng, tạo thuận tiện cho việc đối thoại chính trị và giải quyết những bất đồng. Những hành động như vậy, thay vì làm phức tạp vấn đề, nên giúp để duy trì hòa bình và ổn định ở Trung Đông và duy trì sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi lên án các hành động bạo lực nhằm vào dân thường vô tội và kêu gọi chính phủ và tất cả các phe phái tại Syria ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn các hành động bạo lực, và nhanh chóng khôi phục ổn định và trật tự xã hội bình thường. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Syria chú ý nghiêm túc đến những mong muốn chính đáng của nhân dân để cải cách và phát triển” – ông Wang nói.

Trước khi bỏ phiếu, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói rằng, bản nghị quyết là không công bằng vì vậy Moscow sẽ không ủng hộ.

Đại sứ Nga tại LHQ cho biết nước ông bỏ phiếu chống đối với nghị quyết này vì nó không bao gồm những sửa đổi mà Moscow đề xuất.

Mỹ bỏ phiếu ủng hộ và nói rằng “đây là thông điệp rõ ràng gửi đến nhân dân Syria”.

Trước khi Đại Hội đồng LHQ bỏ phiếu cho bản nghị quyết, ông Bashar Jaafari, Đại diện thường trực của Syria tại LHQ, nói rằng “việc thông qua dự thảo nghị quyết này sẽ dẫn đến sự gia tăng bạo lực trong toàn bộ khu vực”. Ông Bashar Jaafari nói rằng là phiếu “đồng ý” sẽ chỉ là một thông điệp ủng hộ cho “những kẻ cực đoan và khủng bố”.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa