Chủ nhật, 19/05/2024, 21:24[GMT+7]

Áp-ga-ni-xtan chìm trong biểu tình và bạo lực

Thứ 5, 01/03/2012 | 07:50:48
1,148 lượt xem
Tình hình bất ổn ở Áp-ga-ni-xtan ngày càng trở nên tồi tệ. Vụ binh sĩ Mỹ đốt Kinh Cô-ran linh thiêng của người Hồi giáo đã làm bùng phát làn sóng biểu tình và bạo lực khắp nước này.

Biểu tình phản đối Mỹ ở tỉnh Láp-man, miền đông Áp-ga-ni-xtan

Xung đột làm ít nhất 40 người chết và hàng trăm người bị thương. Quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan với Mỹ và các đồng minh phương Tây lâm vào thời kỳ đen tối chưa từng có.

Suốt một tuần qua, cả nước Áp-ga-ni-xtan sôi sục phẫn nộ trong làn sóng biểu tình và các vụ bạo lực nhằm vào những căn cứ quân sự của Mỹ và NATO để biểu thị sự phản đối, đồng thời trả thù vụ binh sĩ Mỹ đốt Kinh Cô-ran linh thiêng. Bạo lực bùng phát đã làm ít nhất 40 người chết và khoảng 200 người bị thương. Trong đó, ngày 27-2 vừa qua, có ít nhất chín người chết và 12 người bị thương trong vụ đánh bom xe liều chết nhằm vào một căn cứ NATO đóng tại sân bay Gia-la-la-bát ở miền đông Áp-ga-ni-xtan. Ta-li-ban đã nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom này nhằm báo thù vụ binh sĩ Mỹ đốt Kinh Cô-ran ở căn cứ không quân Ba-gram hồi tuần trước.

Trước đó, ngày 26-2, căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Cun-đu, miền bắc Áp-ga-ni-xtan, bị tiến công bằng lựu đạn, làm bảy binh sĩ Mỹ bị thương. Ngày 25-2, hai cố vấn Mỹ của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) bị bắn chết ngay trong Bộ Nội vụ Áp-ga-ni-xtan. Ta-li-ban cũng thừa nhận là thủ phạm của vụ này. Ðây được coi là vụ tiến công đầy bất ngờ và gây hoang mang tinh thần của "lực lượng chiếm đóng" ở Áp-ga-ni-xtan. Lầu năm góc cho rằng, các vụ giết hại trên là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi chính quyền Áp-ga-ni-xtan bảo vệ các lực lượng liên quân, chấm dứt tình trạng bạo lực dữ dội này.

Trước làn sóng bạo lực chống Mỹ và các đồng minh phương Tây dâng cao, Ðại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Ca-bun đã phải đóng cửa, đồng thời đưa ra cảnh báo về "một mối đe dọa cao đối với các công dân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan" và các quốc gia Hồi giáo khác. Mỹ cùng với các nước Anh, Pháp và Ðức đã quyết định rút hết các cố vấn làm việc trong các cơ quan chính phủ Áp-ga-ni-xtan về nước. Mỹ và các nước đồng minh cho biết, đây là "biện pháp đề phòng để bảo đảm an toàn" cho các nhân viên của mình sau vụ hai cố vấn Mỹ bị bắn chết trong trụ sở Bộ Nội vụ Áp-ga-ni-xtan. LHQ cũng phải rút các nhân viên quốc tế tại căn cứ Cun-đu ở miền bắc Áp-ga-ni-xtan sau khi căn cứ này bị người biểu tình tiến công.

Nhằm xoa dịu làn sóng giận dữ của người dân Áp-ga-ni-xtan, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma phải đích thân gửi thư tới Tổng thống H.Ca-dai xin lỗi Chính phủ và người dân Áp-ga-ni-xtan. Ông Ô-ba-ma bày tỏ hối tiếc sâu sắc và thành thật xin lỗi về hành vi xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo mà ông cho là "không cố tình" này. Ông cũng cam kết sẽ có những biện pháp thích hợp để không xảy ra các vụ tương tự. Tuy nhiên, lời xin lỗi của ông Ô-ba-ma cũng như của nhiều quan chức Mỹ và NATO vẫn không thể làm nguôi cơn giận dữ và phẫn nộ của người dân Áp-ga-ni-xtan. Các vụ biểu tình bạo lực với sự tham gia của hàng nghìn người tiếp tục nổ ra ở khắp các tỉnh, thành phố. Nhiều sĩ quan và binh sĩ Mỹ vẫn trở thành mục tiêu tiến công và phải trả giá bằng tính mạng của mình do hành vi xúc phạm tín ngưỡng của người Hồi giáo. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ H.Clin-tơn đã kêu gọi người dân Áp-ga-ni-xtan dừng ngay các cuộc biểu tình bạo lực gây chết người. Bà Clin-tơn nêu rõ, Mỹ "rất lấy làm tiếc về vụ việc đã dẫn tới các cuộc biểu tình", song không vì thế mà để bạo lực tiếp diễn và ngăn cản công cuộc xây dựng hòa bình, ổn định ở quốc gia Nam Á này.

Trong khi đó, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai đã lên án vụ đốt Kinh Cô-ran với những "ngôn từ mạnh mẽ nhất", đồng thời cho biết, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đang hối thúc Mỹ "đưa ra xét xử những kẻ phạm tội". Ông Ca-dai cũng kêu gọi người dân kiềm chế, ngừng các cuộc biểu tình và chấm dứt bạo lực, tránh để "kẻ thù của Áp-ga-ni-xtan lợi dụng".

Các nhà quan sát cho rằng, làn sóng phẫn nộ của người dân Áp-ga-ni-xtan trước vụ binh sĩ Mỹ đốt Kinh Cô-ran linh thiêng đã đẩy mối quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan với Mỹ và các đồng minh phương Tây vào thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn mười năm qua ở nước này. Nhiều người lo ngại rằng, sự phẫn nộ của người dân Áp-ga-ni-xtan vốn âm ỉ lâu nay sẽ bùng phát và biến làn sóng biểu tình bạo lực này thành một cuộc khủng hoảng khó cứu chữa, nhất là trong lúc lực lượng Ta-li-ban đang trỗi dậy và đang "mặc cả" với Mỹ và chính quyền Ca-bun về tương lai của Áp-ga-ni-xtan. Ðể trấn an các nước đồng minh và dư luận, trong một tuyên bố mới nhất, giới chức quân sự Mỹ tuyên bố không có ý định thay đổi kế hoạch rút quân và giữ nguyên cam kết chuyển giao sứ mệnh cho các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan trước cuối năm 2014. Lầu năm góc cam kết binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động bên cạnh các lực lượng Áp-ga-ni-xtan và nói cứng rằng "quan hệ giữa Mỹ với các đối tác Áp-ga-ni-xtan vẫn mạnh mẽ".

Theo Nhân dân

  • Từ khóa