Chủ nhật, 19/05/2024, 22:45[GMT+7]

Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực

Thứ 5, 01/03/2012 | 14:22:04
1,245 lượt xem
Triều Tiên đã chấp thuận dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ. Động thái mới này đã được các nước và giới truyền thông đánh giá là tích cực.

Ngày 29/2, phía Mỹ cho biết Triều Tiên đồng ý ngừng các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và chương trình làm giàu urani để đổi lấy hàng viện trợ từ phía Mỹ.

Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên xác nhận thoả thuận trao đổi trên, đồng thời cho biết nước này cũng đã chấp thuận cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát việc ngừng các hoạt động làm giàu urani tại khu tổ hợp hạt nhân chính ở Yonghyon.

Triều Tiên cho biết, trong cuộc gặp giữa các bên tại Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tuần trước, Mỹ đã cam kết viện trợ 240.000 tấn lương dinh dưỡng và có thể là cả viện trợ thêm lương thực.

Việc Triều Tiên quyết định dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ nhận được phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc hoan nghênh tuyên bố quan trọng của Triều Tiên. Trung Quốc sẽ sẵn sàng làm việc với các bên liên quan để tiếp tục thúc đẩy quá trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời giữ vai trò xây dựng trong việc hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, cũng như khu vực Đông Bắc Á.

Ngày 29/2 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày nói việc Triều Tiên quyết định ngừng chương trình hạt nhân là thể hiện bước đi đầu tiên trong một định hướng đúng đắn.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên về việc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân là bước đi quan trọng để tiến tới giải quyết các mối quan ngại liên quan đến Triều Tiên.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã kêu gọi một quá trình phi hạt nhân hóa thực sự trên bán đảo Triều Tiên sau tuyên bố quan trọng của nước này.

Ông Ban Ki-moon cũng hoan nghênh những tiến triển thực sự và tích cực được tạo ra sau cuộc Mỹ -Triều Tiên ở Bắc Kinh mới đây.

Nhật Bản hy vọng chính quyền Triều Tiên sẽ có hành động cụ thể và thỏa thuận trên sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên.

Hàn Quốc ngày 29/2 cũng tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Chính phủ nước này mong rằng thỏa thuận sẽ được thực hiện một cách trung thực, đồng thời cho rằng thỏa thuận này đã đặt nền tảng cho các tiến triển trong nỗ lực của Hàn Quốc nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân một cách toàn diện và cơ bản.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nói rằng cơ quan này đã sẵn sàng trở lại cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân tại đây.

Đánh giá thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên, báo chí Anh cho đây là một bước đột phá trong mối quan hệ giữa phương Tây và Triều Tiên.

Hãng tin BBC đăng bài phân tích của Aidan Foster-Carter, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leeds, cho rằng thông báo gần như đồng thời từ Triều Tiên và Mỹ, được đưa ra một cách bất ngờ và là những tin tức tích cực. Chỉ một vài ngày trước đây, cả hai bên đều không tỏ vẻ gì sau cuộc đàm phán song phương ở Bắc Kinh hôm 23-24/2. Dường như hội nghị này đã đạt được một kết quả đột phá và cả hai bên phải mất vài ngày để cùng nhìn lại thành quả. Sau 3 năm rơi vào bế tắc, vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên đã được đặt trở lại bàn đàm phán một cách tích cực. 

Từ thông báo của Triều Tiên có thể thấy nước này đã nhượng bộ rất nhiều. Thứ nhất, họ đồng ý tạm ngừng thử cả vũ khí hạt nhân lẫn tên lửa tầm xa. Đây là một tin rất vui, khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Thứ hai, Triều Tiên đồng ý ngừng mọi hoạt động làm giàu hạt nhân và cho phép các thanh sát viên IAEA vào kiểm tra các lò phản ứng của nước này. Nếu lần này Triều Tiên cho phép quốc tế vào giám sát cơ sở làm giàu hạt nhân mới được xây dựng ở Yongbyon, đây sẽ là một bước tiến bộ thực sự.

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong suốt 20 năm qua, trong đó các cuộc đàm phán 6 bên bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga gần như giậm chân tại chỗ trong giai đoạn 2003-2008. Vì thế, diễn biến mới nhất làm dấy lên hy vọng mở ra một vòng đàm phán mới trước khi mọi thứ lắng xuống.

Giáo sư George Lopez tại Đại học Notre Dame, người tham gia nhóm chuyên gia của LHQ về vấn đề Triều Tiên năm 2011, cho rằng thỏa thuận nói trên “cho thấy chúng ta đã mở ra một trang mới”. Thứ nhất Triều Tiên đã đồng ý mở rộng cánh cửa hạt nhân, tạo điều kiện cho sự minh bạch và ổn định. Thứ hai, sự nối lại viện trợ lương thực với khối lượng lớn của Mỹ sẽ lôi kéo các nước khác viện trợ cho Triều Tiên và đây là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng. Thứ ba, Mỹ đã tái khẳng định ngừng bắn là nền tảng cho hòa bình và về cơ bản đã cam kết không gây chiến – hai yếu tố rất quan trọng đối với quan điểm của Triều Tiên.

Giáo sư Hazel Smith thuộc Đại học Cranfield cũng nhìn nhận thỏa thuận mới cho thấy “điểm nghẽn” trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã được khơi thông.

Theo bà Hazel, trong diễn biến này, dường như cả hai bên đều tìm cách mở ra một vòng đàm phán mới và đó là một yếu tố rất tích cực. Khối lượng cam kết viện trợ của Mỹ lên tới 240.000 tấn lương thực là một con số rất lớn và nếu được thông qua suôn sẻ, đây là một cử chỉ rất rõ ràng từ phía Mỹ./.

Theo VGP

  • Từ khóa