Chủ nhật, 19/05/2024, 21:54[GMT+7]

Ấn Độ lo ngại thiếu hụt thanh khoản

Thứ 3, 13/03/2012 | 08:34:04
1,100 lượt xem
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cuối tuần qua đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, một động thái đối phó với mối lo về thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ngày càng tăng.

Hình mang tính minh họa

Theo đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm từ 5,5% xuống 4,75%.

Đại diện RBI cho biết, lần cắt giảm thứ 2 trong năm nay nhằm đảm bảo dòng tín dụng cung cấp cho các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế hoạt động nhịp nhàng hơn. Theo tính toán, động thái mới của RBI sẽ bơm vào hệ thống ngân hàng 480 tỷ Rupee (9,6 tỷ USD).

Trước đó, ngày 24/1, RBI cũng đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, và đưa số tiền 6,27 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng thương mại. Đây được coi là một trong những nỗ lực nhằm tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sau khi số liệu thống kê cho thấy, trong quý IV/2011 kinh tế Ấn Độ chỉ tăng trưởng 6,1%, mức thấp nhất 3 năm qua.

Nhà kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng tư nhân Yes Bank (Ấn Độ), Shubhada Rao, nhận định, biện pháp mới của RBI diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại về tình hình thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Dự kiến, các công ty Ấn Độ sẽ rút tiền từ các ngân hàng để trả thuế vào hạn chót là ngày 15/3 và tình hình này sẽ càng làm vấn đề thanh khoản thêm căng thẳng.

Về vấn đề lãi suất, theo một số nhà phân tích, RBI có thể sẽ chờ đến khi bản dự thảo ngân sách được công bố vào ngày 16/3 để đánh giá tác động của lạm phát đối với kế hoạch chi tiêu của Chính phủ, trước khi ra quyết định tạm ngưng các đợt tăng lãi suất.

Hiện nay, kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng yếu đi, trong bối cảnh 13 lần tăng lãi suất trong giai đoạn từ tháng 3/2010 đến tháng 10/2011, làm sụt giảm nhu cầu và hoạt động sản xuất. Trước tình hình này, RBI đang hướng đến một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, khi tỷ lệ lạm phát đã rơi xuống 6,55%, mức thấp nhất trong 2 năm qua.

Theo VGP

  • Từ khóa