Chủ nhật, 19/05/2024, 21:04[GMT+7]

Y-ê-men đối mặt cuộc chiến chống khủng bố khốc liệt

Thứ 5, 15/03/2012 | 08:33:19
1,030 lượt xem
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài thông qua hiệp thương, theo sáng kiến của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Y-ê-men đã tiến hành bầu ông A.M.Ha-đi làm Tổng thống mới, kế nhiệm ông A.Xa-lê, người đã cầm quyền suốt 33 năm qua.

Quân đội Y-ê-men tăng cường kiểm soát an ninh.

Tuy nhiên, Y-ê-men hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức bởi bất ổn chính trị, khó khăn kinh tế và thường xuyên xảy ra các cuộc tiến công của quân nổi dậy và lực lượng khủng bố An Kê-đa trên bán đảo A-rập.

Theo thỏa thuận chuyển giao quyền lực do GCC làm trung gian, được cựu Tổng thống A.Xa-lê và phe đối lập ký tháng 11-2011 ở Thủ đô Ri-i-át (A-rập Xê-út), Y-ê-men đã tiến hành bầu ông Ha-đi làm Tổng thống mới, cầm quyền trong một nhiệm kỳ tạm thời kéo dài hai năm để tiến tới tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Vị Tổng thống 66 tuổi này đã cam kết tiến hành cải cách và thực hiện đối thoại dân tộc với tất cả các phe phái chính trị ở Y-ê-men, cũng như chống lực lượng nổi dậy có quan hệ với tổ chức khủng bố An Kê-đa trên bán đảo A-rập (AQAP).

Ngay sau khi mới được bầu, Tổng thống Ha-đi đã phải đối mặt nhiệm vụ nặng nề là làm thế nào để đưa quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập này thoát khỏi một cuộc nội chiến tiềm tàng khi đang bị cuốn vào cơn lốc của hàng loạt vụ tiến công do An Kê-đa tiến hành, làm hàng trăm binh sĩ và dân thường chết. Các tay súng An Kê-đa liên tục mở hàng loạt cuộc tiến công nhằm vào các tòa nhà chính phủ, đơn vị tình báo quân đội và các sĩ quan quân đội cấp cao nhằm làm suy yếu lực lượng binh sĩ chính phủ Y-ê-men. Nhánh khủng bố này cũng nhận đã tiến hành các vụ tiến công nhằm vào lực lượng an ninh ở các khu vực miền nam và đông nam Y-ê-men. Tình trạng bạo lực leo thang đã buộc Tổng thống A.Ha-đi phải đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất và chuẩn bị mở cuộc tiến công lớn nhằm vào sào huyệt của AQAP.

Cuộc tranh giành quyền lực trên chính trường Y-ê-men "tạo điều kiện" để các nhóm nổi dậy hoành hành. Lợi dụng rối loạn chính trị do làn sóng biểu tình kéo dài một năm qua ở Y-ê-men, nhóm AQAP (còn được biết với tên gọi Ansar al-Sharia - Những người ủng hộ Luật Hồi giáo) đã chiếm đóng nhiều thành phố ở khu vực miền nam Y-ê-men. Chính phủ Y-ê-men cũng đã ra tối hậu thư cho nhóm AQAP phải  rút khỏi những thành phố ở tỉnh A-bi-an. Trong khi đó, Y-ê-men là một đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Trung Ðông. Nhiều năm qua, Mỹ đã chi viện hàng trăm triệu USD giúp nước này mua sắm thiết bị và tổ chức các khóa huấn luyện lực lượng đặc nhiệm chống An-Kê-đa. Trước tình hình bạo lực ngày càng gia tăng, Mỹ bày tỏ quan ngại về làn sóng tiến công đẫm máu của An Kê-đa tại Y-ê-men, đồng thời cho biết Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực bảo đảm an ninh và chống khủng bố của Chính phủ Y-ê-men.

Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nền kinh tế Y-ê-men đã phải chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng do chính trị và an ninh bất ổn trong suốt năm ngoái. Các cuộc tiến công khủng bố nhằm vào những đường ống dẫn dầu quan trọng gây thiệt hại tài chính lớn cho chính phủ, vốn phụ thuộc việc bán dầu mỏ, chiếm 60% tổng thu nhập. Ước tính, dự trữ ngoại hối của nước này giảm từ 5,1 tỷ USD năm 2010 xuống còn khoảng 2,7 tỷ USD năm 2011. Khoảng 42% trong số 24 triệu dân nước này sống dưới mức nghèo khổ (dưới hai USD/ngày). Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế Y-ê-men M.An A-xa-đi tiết lộ, nước này cần khoảng 15 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế yếu kém, khôi phục các dịch vụ cơ bản như cung cấp điện, nhiên liệu, nước và cơ sở hạ tầng. Chính phủ Y-ê-men kêu gọi các nhà tài trợ viện trợ sáu tỷ USD cho nước này trong vòng năm năm tới nhằm giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi đó, GCC dự kiến sẽ giúp Y-ê-men thông qua hội nghị "Những người bạn của

Y-ê-men" vào tháng 4 tới.

A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) tuyên bố sẽ cung cấp dầu thô và nhiên liệu cho Y-ê-men.

CÁC nhà phân tích cho rằng, cải cách kinh tế ở Y-ê-men còn phụ thuộc vào cải cách chính trị. Khó khăn chồng chất đang chờ Tổng thống Ha-đi ở phía trước. Chính phủ của ông Ha-đi sẽ vừa phải tổ chức đối thoại chính trị, vừa tiến hành cuộc chiến khốc liệt đối phó các nhóm nổi dậy và lực lượng An Kê-đa trước khi có thể thực hiện các biện pháp cải cách như ông đã cam kết.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa