Thứ 2, 20/05/2024, 23:00[GMT+7]

Triển vọng kinh tế toàn cầu đã sáng sủa hơn

Thứ 6, 23/03/2012 | 07:41:45
1,010 lượt xem
Bộ phận phân tích thông tin (EIU) thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Economist, Anh), cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2012 đã sáng sủa hơn nhờ sự lắng dịu của cuộc khủng hoảng tại châu Âu và đà phục hồi tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Đây là nhận đinh lạc quan trong báo cáo cập nhật tháng 3/2012 của EIU, đồng thời EIU đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu lên 3,2% (tính theo sức mua tương đương), tăng nhẹ so với mức dự báo trước đó là 3,1%.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục có động lực tăng trưởng đáng ngạc nhiên và EIU nâng dự báo mức tăng trưởng GDP của Mỹ lên 1,9% trong năm 2012. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3% tính theo năm trong quý IV/2011, tốc độ nhanh nhất trong 6 quý qua. Thất nghiệp dù vẫn còn ở mức 8,3% nhưng cũng đã giảm so với mức cao sau khủng hoảng và nền kinh tế đang tạo ra nhiều việc làm mới. Tâm lý người tiêu dùng đã ổn định với nhu cầu vay và chi tiêu lớn hơn.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), việc Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa tiền vào hệ thống ngân hàng 2 lần, mỗi lần khoảng 500 tỷ Euro kể từ tháng 12/2011, là một nhân tố chính để giảm những căng thẳng trong năm nay. Khu vực này sẽ có mức tăng trưởng dương trở lại vào năm 2013.

Đối với các nền kinh tế đang nổi, EIU cho rằng tới nay các nền kinh tế này vẫn đang phải thực hiện những điều chỉnh do nhu cầu nhập khẩu giảm từ các khách hàng phương Tây. Về tổng thể, tăng trưởng GDP của châu Á (không tính Nhật Bản) sẽ giảm từ 6,5% của năm 2011 xuống còn 6,1% trong năm 2012. Tăng trưởng của Nhật Bản sẽ đạt 1,5% trong năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh dự kiến sẽ đạt 3,6%. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2012 sau những bất ổn ở một số nước Arập, dự kiến sẽ có thể đạt mức tăng trưởng 4%.

EIU nhận định rằng tới thời điểm này khủng hoảng tại Eurozone không còn là mối đe dọa chính đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dù hiện tại những căng thẳng tại các nền kinh tế ngoại vi của Eurozone vẫn chưa hoàn toàn biến mất nhưng tình hình được kiểm soát tốt hơn.

Tuy nhiên, cơ quan này lại lo ngại việc giá dầu thô tăng cao gần đây, nhất là do những căng thẳng địa - chính trị về chương trình hạt nhân của Iran. Điều này sẽ khiến sự hồi phục kinh tế toàn cầu “giẫm chân tại chỗ” và làm nổi lên nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu kế tiếp./.

Theo VGP

  • Từ khóa