Thứ 2, 20/05/2024, 20:23[GMT+7]

Hội đồng Bảo an LHQ lên án đảo chính ở Mali

Thứ 6, 23/03/2012 | 16:15:07
1,227 lượt xem
Hội đồng Bảo an LHQ hôm qua đã lên án mạnh mẽ hành động đảo chính giành quyền lực của các binh sĩ ở Mali và yêu cầu thả tất cả các quan chức bị bắt giữ, trong đó có một số bộ trưởng.

Nội dung bản tuyên bố lên án cuộc đảo chính ở Mali của Hội đồng Bảo an LHQ do ông Mark Lyall Grant, Đại sứ Anh tại LHQ, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an luân phiên trong tháng Ba, đọc trước báo giới ngay sau khi 15 nước thành viên có phiên họp kín để nghe báo cáo về tình hình ở Mali.

Tuyên bố cho biết, các thành viên Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực của một số binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang tại Mali nhằm lật đổ chính phủ dân chủ do dân bầu. Hội đồng Bảo an yêu cầu bảo đảm an toàn cho Tổng thống Amadou Toumani Toure và nhanh chóng trở lại doanh trại đóng quân.

Tuyên bố cho biết thêm : Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ “yêu câu thả tất cả các quan chức Mali bị bắt giữ và kêu gọi ngay lập tức lập lại hiến pháp và chính phủ dân chủ do dân bầu”.

Hội đồng Bảo an kêu gọi duy trì tiến trình bầu cử theo đúng lịch đã định; yêu cầu tất cả các bên kiềm chế tối đa, tránh bạo lực.

Trước đó, lực lượng đảo chính tự xưng là "Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia" (CNRDR) thông báo trên đài phát thanh và truyền hình Mali lúc 4 giờ 40 phút (giờ địa phương) rằng họ đã lật đổ Tổng thống Malian President Amadou Toumani Toure. Phát ngôn viên của các binh sĩ nổi loạn hôm qua cho biết, các binh sĩ đảo chính đã nắm giữ quyền lực ở Mali sau khi đột kích vào dinh thự tổng thống và bắt giữ một số bộ trưởng.

“Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ khẳng định sự cần thiết phải duy trì và tôn trọng chủ quyền, đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ của Mali” – tuyên bố có đoạn.

Tuyên bố cho biết, Hội đồng Bảo an LHQ cũng hoan nghênh các nỗ lực của Văn phòng Liên hợp quốc tại Tây Phi (UNOWA) và các đối tác quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đồng thời cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Mali.

Pháp cũng đã ngừng hợp tác với đất nước từng là thuộc địa này và yêu cầu các binh lính đảo chính không làm hại ông Toure.

Khi tiếng súng lác đác vang lên ở thủ đô của Mali, một số cường quốc phương Tây và liên đoàn châu Phi đã lên án vụ binh biến, lần đầu xảy ra trong 21 năm.

Chính Tổng thống Toure là một cựu lính nhảy dù, từng dẫn dắt một cuộc lật đổ chế độ năm 1991 trước khi bàn giao quyền lực sang chính phủ dân sự. Một nguồn tin quân sự cho biết “Tổng thống hiện đang ở Bamako. Ông đang ở trong một doanh trại quân đội, nơi ông làm chỉ huy”.

Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng, một số nơi của Mali và các nước láng giềng đang trở thành nơi trú ẩn toàn cho các phần tử cực đoan và kêu gọi “lập lại trật tự luật pháp ngay lập tức”.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa