Thứ 7, 11/05/2024, 03:22[GMT+7]

Bầu cử Tổng thống Pháp 2012 : Cuộc chạy đua giai đoạn nước rút

Thứ 2, 16/04/2012 | 15:35:10
1,009 lượt xem
Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012-2017 đã bước vào giai đoạn nước rút của vòng một khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến thời khắc quyết định những người chiến thắng để vào vòng hai.

Quang cảnh cuộc mít-tinh của ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande tại lâu đài Vincennes, ngày 15-4-2012

Tất cả 10 ứng cử viên đang tập trung hết khả năng và nhân lực để củng cố lòng tin của cử tri, đồng thời thuyết phục những người vẫn còn đang cân nhắc xem chọn ai là người xứng đáng để lãnh đạo nước Pháp khôi phục vị thế cường quốc hiện đang bị lung lay.

Thách thức của Pháp, cơ hội hành động cho các ứng cử viên

Giai đoạn hiện nay đang là thời điểm khó khăn nhất đối với nước Pháp kể từ sau đợt bầu cử tổng thống năm 2007. Nước Pháp không nằm ngoài quỹ đạo của cơn bão khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, đặc biệt là của cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng trong khu vực đồng Euro và những vấn đề khó khăn trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, các ứng cử viên đã tập trung vào các chủ đề nóng, lựa chọn một hình ảnh mới, thậm chí là một khẩu hiệu mới để khẳng định chương trình tranh cử của họ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Số lượng ứng cử viên Tổng thống Pháp năm nay ít hơn so với cuộc bầu cử năm 2007 (12 ứng cử viên) và năm 2002 (16 ứng cử viên). Tất cả 10 ứng cử viên đều đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm vực dậy hình ảnh và vị thế đang bị lung lay của Pháp, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Các ứng cử viên như bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) và bà Nathalie Arthaud, đại diện Đảng phong trào đấu tranh công nhân (LO) thậm chí còn cho rằng cần phải từ bỏ đồng euro và quay lại sử dụng đồng tiền quốc gia hoặc đồng euro-franc.

Vấn đề người nhập cư cũng được các ứng cử viên tập trung khai thác và đưa ra các giải pháp nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. Tình hình khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, an ninh bất ổn và những rắc rối liên quan đến dòng người nhập cư từ Bắc Phi vẫn tràn vào các nước châu Âu. Từ thực tế này, Tổng thống Sarkozy cho rằng cần phải giảm 50% số người nhập cư hợp pháp đồng thời xem xét lại các thỏa thuận Shengen. Trong khi đó ứng cử viên Francois Hollande đưa ra ý tưởng hạn chế nhập cư kinh tế để bảo vệ lợi ích của người Pháp.

Quan điểm của các ứng cử viên thuộc phe hữu còn căng thẳng hơn. Bà Marine Le Pen, ứng cử viên cực hữu nêu ra 16 biện pháp để thắt chặt nhập cư, đặt mục tiêu giảm số người nhập cư trong 5 năm tới xuống còn 10.000 người/năm cùng một số biện pháp như xóa bỏ chương trình đoàn tụ gia đình, giảm số người xin tị nạn, trục xuất những người nước ngoài nhập cư trái phép. Cùng lúc, ứng cử viên thuộc đảng “Phong trào thức tỉnh nền cộng hòa” (DLR), Nicolas Dupont-Aignan tuyên bố rằng cần phải thiết lập lại kiểm soát tại khu vực biên giới.

Trong khi đó, ông Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên đảng Mặt trận Cánh tả (FG), đang được coi là một 'phát hiện' lớn, thậm chí là 'duy nhất', trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp. Từ chỗ chỉ nhận được chưa đầy 5% số phiếu ủng hộ tại các thăm dò dư luận khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, ứng cử viên này đã ngày càng chứng tỏ được sự tiến bộ với số người ủng hộ tăng lên 10%, rồi 14% tính đến thời điểm hiện tại. Theo kết quả một số cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Mélenchon có nhiều khả năng vượt lên trên cả đối thủ trực tiếp Marine Le Pen để giành vị trí người về thứ ba ở vòng một.

Nhiều báo Pháp trong những ngày gần đây đã đánh giá tích cực những tư tưởng tiến bộ vì sự công bằng và bình đẳng xã hội của ứng cử viên Mélenchon. Một số tờ báo còn cho rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp lần này, ông Mélenchon dường như trở thành hiện thân của cánh tả cách mạng và được đông đảo quần chúng lao động chấp nhận như một người cầm cờ cho giai tầng của mình. Tuy nhiên, báo 'Le Monde' (Pháp) cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra câu trả lời dù 'các quân bài tranh cử' đã được phân chia lại trên bàn cờ chính trị Pháp.

Cuộc đọ sức giữa hai ứng cử viên nặng ký

Có 10 ứng cử viên tham gia tranh cử lần này. Tuy nhiên, cuộc đua tranh cử giữa các ứng cử viên được dư luận Pháp chú ý nhiều nhất lại tập trung vào Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân (UMP) và ứng cử viên Đảng xã hội (PS) François Hollande. Việc Tổng thống đương nhiệm Pháp Nicolas Sarkozy chính thức tuyên bố tái tranh cử đánh dấu sự mở màn cho cuộc đua cực kỳ khó dự báo để bầu chọn vị trí người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đắc cử đầy ấn tượng vào năm 2007 sau một cuộc vận động tranh cử đầy nghị lực với chủ đề ‟lật qua trang sử mới”, nay ông Nicolas Sarkozy ra tái tranh cử vào thời điểm uy tín giảm mạnh và bị phủ lấp bởi các vụ tai tiếng và thất bại.

Về kinh tế, các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ không cứu được uy tín của Pháp trong giới tài chính quốc tế. Mặc dù ông Sarkozy tỏ ra tự hào với thành tích cải cách cơ cấu kinh tế, nhưng Pháp lại bị mất điểm AAA và tụt hạng so với Đức. Về xã hội, nhiều lời hứa của ông trong đợt tranh cử 2007 cũng không được thực hiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua không giảm xuống 5% như cam kết, ngược lại tăng lên gần 10% vào cuối nhiệm kỳ trong đó phần lớn là thanh niên.

Ban đầu, ông Sarkozy dự tính đến tháng 3 mới chính thức tuyên bố tái tranh cử tổng thống. Khi thấy ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu (57% số phiếu theo kết quả thăm dò của viện Ifop được công bố ngày 14-2), những người thân cận với tổng thống Sarkozy đã hối thúc ông đẩy nhanh lịch trình tranh cử.

Ngày 15-2, ông Sarkozy tuyên bố chính thức tái tranh cử bằng câu nói: “Vâng, tôi là ứng cử viên Tổng thống vì tôi có những điều cần nói, những đề nghị cần làm với người dân Pháp”. Tiếp đó là khẩu hiệu tranh cử “Nước Pháp mạnh” vì theo ông, chỉ khi mạnh mẽ thì nước Pháp mới có thể được bảo vệ. Chiến dịch tái tranh cử của ông Sarkozy tập trung vào các mục tiêu: tiếp tục thay đổi (cải cách lương hưu, cải cách giáo dục đại học và phải hòa nhập), bảo vệ người thất nghiệp bằng chính sách bồi thường và đào tạo. Hơn thế nữa, ông Sarkozy còn khiêu khích ứng cử viên François Hollande khi cho rằng ông này không có ý tưởng gì để đặt lên bàn: “Ông ta chẳng có ý tưởng gì ngoài việc chỉ trích tôi sao? Có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ tạo ra thêm 60.000 việc làm trong ngành giáo dục trong 5 năm tới? Có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ hợp thức hóa cho tất cả những người nhập cư?”

Trong khi đó, ứng cử viên đảng PS François Hollande chọn khẩu hiệu 'Sự thay đổi là bây giờ' để tranh cử. Ông Hollande luôn nằm trong danh sách ứng cử viên sáng giá nhất của các cuộc thăm dò dư luận trong gần một năm qua. Ông cũng là ứng cử viên cánh tả có nhiều khả năng chiến thắng Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy ở vòng hai. Khi đưa ra đề xuất tăng thuế đến 75% đối với những người có thu nhập trên một triệu euro/năm, các nhà phân tích cho rằng ông Hollande đã ra 'một đòn trúng hai đích', khiến dư luận gán cho ông Sarkozy danh hiệu 'Tổng thống của người giàu' vì có chính sách bảo vệ lợi ích của các ông chủ trong nhóm CAC 40 (40 tập đoàn lớn nhất nước Pháp).

Ông François Hollande còn cam kết sẽ không để cho giới đầu cơ tài chính khuynh đảo kinh tế quốc gia và vùng euro. Ứng cử viên đảng Xã hội nhắc lại là nhiệm kỳ 5 năm của ông Sarkozy được ghi dấu bằng nợ công chồng chất, thâm thủng thương mại nghiêm trọng thêm và Pháp bị mất điểm tín nhiệm AAA”. Đáp lại, Tổng thống Nicolas Sarkozy, Thủ tướng François Fillon rồi đến lượt Ngoại trưởng Alain Juppé cho rằng, ‟những cuộc xáo trộn đáng ngại” sẽ xảy ra cho kinh tế Pháp và khu vực đồng tiền chung châu Âu, nếu ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande đắc cử. Ba nhà lãnh đạo phe hữu cho rằng ‟cương lĩnh” của ứng cử viên đảng Xã hội đi ngược lại quyền lợi kinh tế quốc gia và khu vực đồng euro”.

Còn thay đổi đến giờ G

Theo báo chí Pháp, đây là lần đầu tiên trong một cuộc bầu cử tổng thống, thế trận giữa hai phe tả hữu đã biến mất. Trong 10 ứng cử viên thì 9 người quyết tâm đánh bại nhân vật thứ 10 - tổng thống đương nhiệm ra tranh cử nhiệm kỳ hai khi mà uy tín đã xuống rất thấp.

Tỷ lệ cử tri không hài lòng chiến dịch tranh cử hoặc cảm thấy không có ứng cử viên nào tài đức toàn vẹn ngày càng cao. Theo các viện thăm dò ý kiến, sẽ có ít nhất 30% cử tri vắng mặt trong ngày bỏ phiếu 22-4 tới đây, so với tỷ lệ 16% không tham gia trong lần bầu cử 5 năm trước. Cử tri Pháp vẫn đang phân vân trong lựa chọn của mình bởi hai ứng viên nặng ký là ông François Hollande và ông Nicolas Sarkozy vẫn chưa đưa ra được một cương lĩnh thực sự thuyết phục.

Giải thích về khả năng tỷ lệ vắng mặt cao như trên, giới phân tích cho rằng nguyên do có thể xuất phát từ chủ đề vận động tranh cử của các ứng viên không làm cho người Pháp quan tâm, không gây được hứng thú. Theo ông Dominique Reynié, thuộc Hiệp hội đổi mới chính trị Fondapol, tầng lớp chính trị gia Pháp đang ‘lệch pha’ với xã hội. Các đảng chính trị tại Pháp thuộc loại yếu nhất so với các nước châu Âu khác vì số đảng viên chỉ chiếm có 2% cử tri.

Từ nay đến ngày bầu cử vòng một, 22-4, cử tri nước Pháp có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong cuộc đua tranh cử tổng thống. Theo giới quan sát, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nhiều chính sách do chính phủ ban hành không được lòng dân, nhưng kinh nghiệm của ông Sarkozy trong quá trình 'chèo lái' nước Pháp và vài trò trung tâm của ông trong nỗ lực của châu Âu giải quyết cuộc khủng khoảng nợ công sẽ là vũ khí lợi hại nhất để người đứng đầu nước Pháp chống lại ông Hollande. Trong khi đó, tâm lý muốn thay đổi của cử tri Pháp sau 17 năm cầm quyền của cánh hữu (với 3 nhiệm kỳ tổng thống trong đó 2 của ông Jacques Chirac và 1 của ông Sarkozy) là một lợi thế cho ông Hollande.

Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy, tổng số phiếu bầu của cánh tả và cực tả dao động trong khoảng 43% (theo Ipsos) và 46,5% (theo BVA) trong khi tại vòng một bầu cử năm 2007, con số này chỉ đạt 36,4%. Số phiếu dự trữ của ứng cử viên Hollande vẫn lớn hơn so với ông Sarkozy, với hơn 80% toàn thể cử tri của ông Mélenchon quyết định ủng hộ ứng cử viên PS. Tuy nhiên, thắng lợi của ông Hollande còn phải phụ thuộc cả vào sự ủng hộ quan trọng của các cử tri trung dung của ông Bayrou.

Vào giờ phút chót, nhiều người có thể sẽ quyết định đến phòng phiếu hay thay đổi lựa chọn. Dù kết quả thế nào, ứng cử viên thắng cử nhiệm kỳ tổng thống 2012-2017 sẽ phải đối mặt với món nợ công khổng lồ 1,69 nghìn tỷ Euro, tương đương 85% GDP, tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối năm 2011 đã tăng lên hơn 2,87 triệu người, chiếm gần 10% lực lượng lao động và là mức cao nhất trong 12 năm qua.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa