Thứ 6, 10/05/2024, 12:05[GMT+7]

Tăng cường hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam và Xinh-ga-po

Thứ 2, 23/04/2012 | 15:42:57
1,156 lượt xem
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Xinh-ga-po (Singapore) Tô-ni Tân Keng Giam (Toni Tan Keng Yam) và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 23-27/04/2012. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Tô-ni Tân Keng Giam kể từ khi nhậm chức (01/09/2011).

Tổng thống Tony Tan Keng Yam và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore (9/2011). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Singapore Toni Tan Keng Yam được tiến hành trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Singapore đang phát triển mạnh mẽ và hiệu quả trên các lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc; đặc biệt chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2011). Singapore luôn duy trì là đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều, năm 2011 tăng 8,7 tỷ USD. Hai bên đang tích cực triển khai Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam-singapore. Các lĩnh vực hợp tác như quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, du lịch...đều được tăng cường và đẩy mạnh.

 

Cộng hòa Xinh-ga-po nằm ở cực Nam Bán đảo Mã Lai, giáp Ma-lai-xi-a, ngăn cách với In-đô-nê-xia bằng eo biển Ma-lắc-ca. Diện tích, 692,7 km2, gồm 64 đảo: 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ. Dân số: 5,183 triệu người (tính đến tháng 10/2011); Khí hậu nhiệt đới, nóng, ẩm và mưa nhiều. Tài nguyên thiên nhiên: Thủy sản, các cảng nước sâu. GDP đầu người khoảng 38.000 đô la Mỹ.

 

Xinh-ga-po hầu như không có tài nguyên. Phần lớn nguyên, nhiên liệu, lương thực thực phẩm đều phải nhập khẩu. Xinh-ga-po có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu Châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến, điện tử và lắp ráp máy móc tinh vi. Xinh-ga-po có 12 khu vực công nghiệp lớn, trong đó lớn nhất là Khu công nghiệp Du-rông (Jurong). Xinh-ga-po cũng là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và thiết bị bán dẫn; là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở Châu Á.

 

Kinh tế Xinh-ga-po chủ yếu dựa vào thương mại và dịch vụ: du lịch, cảng biển (chiếm 40% thu nhập quốc dân); đi đầu trong chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Kế hoạch đến năm 2018, Xinh-ga-po sẽ thành một thành phố hàng đầu thế giới, là đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á.

Xinh-ga-po ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước lớn trên thế giới và các nước trong khu vực, mong muốn tạo dựng môi trường hoà bình ổn định tại Đông Nam Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Xinh-ga-po là một trong 5 nước sáng lập ASEAN và chủ trương xây dựng một ASEAN đoàn kết, hợp tác và phát triển và ngày càng tích cực phát huy vai trò trong ASEAN. Xinh-ga-po đã đưa ra sáng kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và chủ trương đẩy AEC theo mô hình 2 + X.

 

Xinh-ga-po tích cực nâng cao vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Ngày 21/9/1965, Xinh-ga-po gia nhập Liên hợp quốc; là thành viên không thường trực HĐBA/LHQ khoá 2001 - 2002. Xinh-ga-po là nước đề xướng Tiến trình Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Á - Âu (ASEF) đồng thời là trụ sở của Quỹ; tích cực thúc đẩy sáng kiến hình thành Diễn đàn Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC). Ngoài ra, Xinh-ga-po còn là thành viên của Khối thịnh vượng chung (Common Wealth), Phong trào Không liên kết (NAM).

Xinh-ga-po ủng hộ mạnh mẽ việc tự do hoá thương mại toàn cầu và khu vực, ủng hộ WTO, GATT, APEC (trụ sở Ban thư ký APEC tại Xinh-ga-po), là nước đi đầu trong việc đẩy mạnh quá trình thực hiện AFTA; coi APEC như một đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở Châu Âu và Châu Mỹ. Xinh-ga-po cũng là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương…

 

Việt Nam và Xinh-ga-po thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 01/8/1973. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Hà Nội được thành lập.

Trong chuyến thăm chính thức Xinh-ga-po của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn đồng (16 - 17/01/1978), hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ. Từ năm 1991, cùng với chuyển biến chung của cục diện quốc tế và tình hình khu vực, đặc biệt là việc ký Hiệp định Pa-ri về Cam-pu-chia năm 1991, cũng như tác động của chính sách đổi mới của Việt Nam, quan hệ hai nước được cải thiện nhanh chóng. Từ khi Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xinh-ga-po coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á.

Năm 2004, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

 

Về thương mại, từ 1996 đến nay Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2006, 7,7 tỷ USD; năm 2007, 9,8 tỷ USD; năm 2008, 12 tỷ USD; năm 2009, 5,8 tỷ USD; năm 2010, 6,2 tỷ USD; năm 2011, 8,7 tỷ USD. Việt Nam luôn nhập siêu từ Xinh-ga-po. Các mặt hàng Việt Nam nhập từ Xinh-ga-po như: xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, sản phẩm điện tử máy móc, hóa chất. Việt Nam xuất sang Xinh-ga-po chủ yếu là hải sản, cà phê, dầu thô, đá quý, đồ điện tử.

 

Đầu tư trực tiếp của Xinh-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến tháng 03/2012, Xinh-ga-po có 1.008 dự án với tổng vốn 24,16 tỷ USD. Xinh-ga-po chủ yếu đầu tư nhiều nhất lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Các dự án đầu tư của Xinh-ga-po được đánh giá có hiệu quả, đóng góp đáng kể cho kinh tế của Việt Nam. Khu công nghiệp Việt Nam - Xinh-ga-po (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Xinh-ga-po, đã hoạt động được hơn 11 năm với 4 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010). Tháng 9/2011, tỉnh Quảng Ngãi với Tập đoàn Sembcorp đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập khu VSIP thứ 5 tại Quảng Ngãi.

 

Hợp tác giáo dục giữa hai nước phát triển tốt. Hai nước ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (25/4/2007); thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Xinh-ga-po (VSTC) tại Hà Nội (28/11/2001), hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Xinh-ga-po (theo sáng kiến Hội nhập ASEAN - IAI); thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam (03/2008), hoạt động bằng nguồn kinh phi do Quỹ Temasek (Xinh-ga-po) tài trợ. Hàng năm, Chính phủ Xinh-ga-po thông qua Bộ Ngoại giao Xinh-ga-po cấp học bổng cho sinh viên đại học năm thứ nhất và thứ hai của Việt Nam học đại học tại Xinh-ga-po (khoảng 15 suất/mỗi năm). Ngày 02/11/2010, Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình nghiên cứu dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Xinh-ga-po giai đoạn 2011 -2013 nhân dịp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân thăm Xinh-ga-po.

 

Hợp tác pháp luật, tư pháp: Tháng 3/2008, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản Ghi nhớ Hợp tác Pháp luật và Tư pháp. Để triển khai Bản Ghi nhớ, Bộ Tư pháp hai nước đã tổ chức 02 Phiên họp ủy ban Hỗn hợp về Pháp luật và Tư pháp tại Hà Nội (tại Hà Nội tháng 2/2009 và tại Xinh-ga-po tháng 02/2011).

 

Hợp tác văn hóa, du lịch: Trong lĩnh vực văn hóa, hai nước chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN - COCI), hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Xinh-ga-po là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam.

 

Về các cơ chế hợp tác giữa hai nước: Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Xinh-ga-po thành lập tháng 5/1993, là cơ chế hợp tác song phương trên các lĩnh vực cụ thể do Bộ Kê hoạch Đầu tư Việt Nam và Bộ Công thương Xinh-ga-po làm đầu mối. Ủy ban đã họp được 6 phiên (1993, 1994, 1995, 1997, 1999 và 2003). Khi hai nước ký Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam - Xinh-ga-po (12/2005), cơ chế này không được duy trì và chuyển sang cơ chế Kết nối. Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam - Xinh-ga-po: Tháng 3/2004, Thủ tướng Gô Chốc Tông và Thủ tướng Phan Văn Khải nhất trí về sáng kiến kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xinh-ga-po. Đây là Chương trình hợp tác toàn diện ở mức độ cao và phạm vi rộng, nhằm gắn kết các khâu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng... của Việt Nam với Xinh-ga-po, tạo ra sự bổ trợ, kết hợp giữa hai nền kinh tế, tạo môi trường chính sách thuận lợi và định hướng cho doanh nghiệp hai nước triển khai các hợp tác, phát huy hiệu quả cao nhất các mối quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba.

 

Tháng 12/2004, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhất trí 6 lĩnh vực kết nối: (i) tài chính, (ii) đầu tư, (iii) thương mại - dịch vụ, (iv) giao thông vận tải (v) bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin, (vi) giáo dục đào tạo.

 

Ngày 06/12/2005 tại Xinh-ga-po, Bộ trưởng Công thương Xinh-ga-po Lim ưng Ki-ang (Lim Ng Kiang) và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định khung về Kết nối Việt Nam - Xinh-ga-po và 6 phụ lục kết nối. Theo thoả thuận các cuộc họp cấp Bộ trưởng (Kế hoạch và Đầu tư) được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phương hướng hợp tác tiếp theo (phiên thứ 8 vừa được tổ chức tại Xinh-ga-po tháng 4/2012).

 

Tham khảo chính trị thường niên hai Bộ Ngoại giao (cấp Thứ trưởng) giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đã luân phiên tổ chức phiên họp vào các năm 2003, 2004, 2005, 2007, 2009 và 2012.

 

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Singapore Toni Tan Keng Yam nhằm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. 

                                                                                                                      Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  • Từ khóa