Thứ 2, 13/05/2024, 03:48[GMT+7]

Kinh tế châu Á và Mỹ la-tinh tăng trưởng bền vững

Thứ 3, 08/05/2012 | 09:21:17
1,145 lượt xem
Năm 2011 là một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới và triển vọng kinh tế năm 2012 có thể còn ảm đạm hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế vẫn khẳng định, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Á và Mỹ la-tinh trong năm 2012 chỉ giảm nhẹ và dần chuyển hướng sang con đường tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.

Tòa nhà thị trường chứng khoán tại Bom Bay, Ấn Ðộ. (Ảnh: ROI-TƠ )

Những dự báo thiếu lạc quan về kinh tế thế giới xuất phát từ những yếu tố không thuận lợi, gồm tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), bất ổn chính trị ở các nước A-rập, giá dầu tăng, vấn đề hạt nhân ở I-ran, sự phục hồi yếu kinh tế Mỹ, sự suy giảm của các thị trường mới nổi, thiên tai...

Những bất ổn kéo dài tại Eurozone và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm tạo ra những nguy cơ lớn hơn đối với triển vọng phát triển của châu Á. Trước nhưng rủi ro tiềm tàng, các nền kinh tế châu Á đang dần đa dạng hóa thị trường, khu vực này có ít liên hệ tài chính trực tiếp với đồng ơ-rô và điều này có thể giúp duy trì tốc độ tăng trưởng. Theo báo cáo phát triển kinh tế hàng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo tăng trưởng GDP tại các nước đang phát triển ở châu Á ở mức 6,9% trong năm 2012 và tăng lên 7,3% năm 2013.

Tăng trưởng kinh tế châu Á đã có được động lực mới do sự gia tăng nhu cầu trong nước của các thị trường mới nổi ở châu Á và niềm tin tiêu dùng tăng. Dòng vốn nước ngoài đổ vào châu Á tuy vẫn biến động, nhưng bắt đầu phục hồi trong những tháng đầu năm nay. Nhờ đó, thị trường tiền tệ và cổ phiếu ở châu lục này đã phục hồi sau những tổn thất hồi cuối năm 2011. Những nền tảng vững chắc bảo đảm nhu cầu trong nước tăng như việc làm tăng mạnh cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của châu Á.

Theo báo cáo của ADB, Trung Quốc, nền kinh thế lớn thứ hai thế giới sẽ dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 8,5% năm 2012 và 8,7% năm 2013; Nam Á sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, dự báo 6,6% trong năm 2012 và 7,1% trong năm tới vì nhu cầu yếu và những quy định hạn chế về tài chính, Ấn Ðộ dự báo tăng trưởng sẽ đạt 7,5% năm nay; Mức tăng trưởng kinh tế của các nước Ðông - Nam Á sẽ tăng nhanh hơn so với năm 2011, đạt 5,2% năm 2012, trên cơ sở nền kinh tế Thái-lan tiếp tục phục hồi sau thiên tai; Trung Á ít có thay đổi trong hoạt động kinh tế trong năm 2012, dự báo tăng trưởng ở mức 6,1%...

Triển vọng kinh tế khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê cũng được dự báo lạc quan. Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế khu vực này có thể đạt 3,6% năm 2012 và 4,2% năm 2013. Các nền kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê đã cho thấy khả năng chống chọi hiệu quả trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone và sự sụt giảm của nền kinh tế Mỹ. Các chuyên gia kinh tế nhận định, các nước Mỹ la-tinh đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn các nước đang phát triển là do chính phủ các nước này đã đưa ra chính sách kịp thời cải thiện khả năng tài chính của mình, đồng thời thi hành các chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt để có thể điều tiết được những biến động bất thường trên thế giới. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 6,8% và có thể duy trì xu hướng giảm bất chấp dự báo của WB và LHQ về suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tiền tệ, những lo ngại rủi ro và các điều kiện tài chính bên ngoài sụt giảm đã làm giảm nhu cầu nội địa, cũng như kim ngạch xuất khẩu của khu vực này. Nguồn thu từ du lịch và kiều hối ở Trung Mỹ và Ca-ri-bê sụt giảm tác động không nhỏ tới nền kinh tế khu vực... Theo WB, Bra-xin - nền kinh tế lớn nhất khu vực, đạt mức tăng trưởng 2,9% năm 2011 và dự kiến đạt 3,4% năm 2012. Mê-hi-cô, nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực, đạt 4% năm 2011 và dự báo giảm xuống 3,2% năm 2012.

Kinh tế toàn cầu đang trải qua năm 2012, với các nguy cơ luôn rình rập, trong đó đáng lo ngại nhất là tác động từ khu vực đồng ơ-rô, nhất là tình hình của Tây Ban Nha đang xấu đi nhanh chóng. Nguy cơ giá dầu mỏ tăng cũng đe dọa quá trình phục hồi của các nền kinh tế lớn, cũng như tác động mạnh đến các nền kinh tế phụ thuộc nhập khẩu dầu mỏ. Trong bối cảnh đó, với những chính sách kinh tế thích hợp và kịp thời, châu Á và khu vực Mỹ la-tinh vẫn được đánh giá là có khả năng đứng vững trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và hướng tới tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa