Thứ 2, 13/05/2024, 12:56[GMT+7]

Áp-ga-ni-xtan đối mặt nhiều thách thức

Thứ 3, 15/05/2012 | 08:15:19
1,114 lượt xem
Áp-ga-ni-xtan vừa nhận quyền kiểm soát an ninh từ tay Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy giai đoạn ba. Tuy nhiên, chính quyền Ca-bun vẫn đối mặt nhiều thách thức kiểm soát an ninh, do các tay súng Ta-li-ban tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống phá.

Ta-li-ban tiến công Thủ đô Ca-bun ngay sau chuyến thăm Áp-ga-ni-xtan của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma.

Cuối tháng 12 năm ngoái, ISAF khởi động giai đoạn hai tiến trình chuyển giao kiểm soát an ninh cho quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan, sau khi hoàn tất giai đoạn chuyển giao đầu tiên tháng 7 cùng năm. Theo kế hoạch, tới năm 2014, Áp-ga-ni-xtan và NATO hoàn tất tiến trình chuyển giao an ninh trong năm giai đoạn, trong đó gồm cả những "điểm nóng" về an ninh từng là thành trì của lực lượng Ta-li-ban, như Can-đa-ha, Hen-man và các tỉnh miền đông. Mỹ và NATO tuyên bố, tình hình an ninh tại Áp-ga-ni-xtan đã được cải thiện và giữ nguyên kế hoạch rút 130 nghìn binh sĩ ISAF ở Áp-ga-ni-xtan về nước vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, tiến trình để Áp-ga-ni-xtan có thể đảm nhận hoàn toàn nhiệm vụ bảo đảm an ninh đất nước vào năm 2014 không đơn giản. Người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm về tiến trình chuyển giao nói trên G.A-mát-dai thừa nhận, giai đoạn ba của tiến trình chuyển giao an ninh "rất khó khăn" và hai giai đoạn tiếp theo thậm chí "còn khó khăn hơn".

Lực lượng Ta-li-ban tiếp tục hoạt động và đe dọa ổn định an ninh đất nước. Các vụ tấn công đẫm máu của Ta-li-ban nhằm vào các quận trung tâm của Thủ đô Ca-bun, nơi đặt nhiều tòa nhà chính phủ, các đại sứ quán và căn cứ quân sự của Áp-ga-ni-xtan và NATO làm hàng trăm người chết và bị thương trong tháng 4 vừa qua, cho thấy mối đe dọa từ các phần tử khủng bố vẫn còn rất lớn. Nó cũng cho thấy chính quyền Ca-bun chưa đủ khả năng cải thiện tình hình an ninh trong nước, cũng như nâng cao năng lực các lực lượng an ninh.

Hơn một thập kỷ qua, giao tranh giữa Ta-li-ban với lực lượng chính quyền Ca-bun và NATO tại Áp-ga-ni-xtan vẫn diễn biến phức tạp, trong khi mối quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan và Mỹ xấu đi trông thấy, sau nhiều vụ binh sĩ Mỹ xúc phạm văn hóa, tín ngưỡng của người bản địa và sát hại dân thường Áp-ga-ni-xtan. Làn sóng chống Mỹ dâng cao tại Áp-ga-ni-xtan gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống H.Ca-dai trong quan hệ với Oa-sinh-tơn. Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tìm cách dàn xếp một thỏa thuận hòa giải giữa Ta-li-ban và chính quyền Áp-ga-ni-xtan, nhằm mang lại ổn định sau khi phương Tây rút quân, đồng thời giảm thiệt hại về người và của cho Mỹ. Trong một nỗ lực cải thiện quan hệ, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan vừa ký thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược sau năm 2014, trong đó Oa-sinh-tơn cam kết hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ca-bun trong ít nhất một thập kỷ kể từ năm 2014. Ðại sứ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan nêu rõ, thỏa thuận nêu trên giúp củng cố chủ quyền, sự ổn định và thịnh vượng của Áp-ga-ni-xtan, góp phần vào mục tiêu chung của hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa nói riêng.

Tổng thống Ô-ba-ma và Tổng thư ký NATO Ph.Ra-xmút-xen nhất trí về các nội dung của hội nghị cấp cao NATO, diễn ra tại Mỹ vào ngày 18 và 19-5 tới, theo đó, tái khẳng định cam kết về kế hoạch chuyển giao quân sự đã được các thành viên NATO nhất trí tại Bồ Ðào Nha vào tháng 11-2010; NATO sẽ đề xuất quá trình chuyển giao giai đoạn cuối, trong đó tập trung việc chuyển từ vai trò chiến đấu sang vai trò hỗ trợ cũng như tiến hành các hoạt động hỗ trợ khác một cách bền vững và hiệu quả cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan.

Ðầu năm nay, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai mời các thủ lĩnh Ta-li-ban đàm phán trực tiếp với Chính phủ, đồng thời kêu gọi Pa-ki-xtan tạo điều kiện khơi thông đàm phán hòa bình tiến tới chấm dứt cuộc chiến lâu dài ở Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống Ca-dai nhấn mạnh, tiến trình hòa bình là để toàn thể người dân Áp-ga-ni-xtan, kể cả các tay súng Ta-li-ban, sống trong hòa bình và là giải pháp đem lại hòa bình và ổn định ở nước này. Tuy nhiên, đại diện Ta-li-ban vẫn công khai từ chối đàm phán trực tiếp với Chính quyền Ca-bun. Tổng thống Ca-dai cho biết, Áp-ga-ni-xtan có đủ khả năng để đảm nhận quyền kiểm soát an ninh trong năm 2013, yêu cầu Mỹ và NATO sớm chuyển giao "toàn diện, nhanh chóng" các trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan.

Theo các nhà quan sát, với cả Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và NATO, còn quá sớm để đưa cuộc chiến tại Áp-ga-ni-xtan đi đến hồi kết như mong đợi, vì để có được nền hòa bình lâu dài thì còn quá nhiều thách thức cần vượt qua. Ngoài thách thức về an ninh thì nhiệm vụ bảo đảm hỗ trợ nhân đạo cho hàng chục triệu người Áp-ga-ni-xtan đang đối mặt tình trạng bạo lực và nguy cơ thiếu lương thực kéo dài cũng rất nặng nề.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa